Thuế quan Mỹ đe dọa sức hút FDI, ngành bất động sản công nghiệp gặp khó?

date
24/05/2025 12:46

Thuế quan Mỹ đe dọa sức hút FDI, ngành bất động sản công nghiệp gặp khó?

Việc Mỹ thông báo áp mức thuế quan lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang đặt ra bài toán lớn đối với nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp – lĩnh vực vốn hưởng lợi từ dòng vốn FDI và nhu cầu mở rộng sản xuất.

Việt Nam vốn là điểm đến ưa thích của làn sóng “Trung Quốc +1” trong những năm qua. Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại của Mỹ có thể làm chậm lại dòng vốn FDI mới – nhân tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN).

Sức ép thuế quan

Theo báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS), Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, với tỷ trọng gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các nhóm hàng chủ lực bao gồm điện tử, điện thoại và dệt may với tỷ trọng lần lượt là 19%, 8% và 14%.

Việc bị Mỹ áp thuế suất 46% – mức cao nhất trong khu vực Asean, cao hơn 10-29% so với các quốc gia cạnh tranh trực tiếp nguồn vốn FDI như Thái Lan, Indonesia hay Philippines khiến Việt Nam giảm sút sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc thị trường Mỹ.

Điều này có thể trực tiếp làm giảm nhu cầu thuê đất KCN và cả các dịch vụ phụ trợ như điện, nước – những nguồn thu quan trọng của doanh nghiệp bất động sản KCN.

“Thuế quan cao khiến giá hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ tăng, kéo theo nhu cầu suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến quyết định mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI”, SHS nhận định.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu đàm phán thất bại và Việt Nam buộc phải chịu thuế 46%, SHS dự báo số lượng hợp đồng thuê đất mới tại các KCN có thể giảm 15-20%, kéo theo giá thuê sụt giảm khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thu hẹp quy mô, dẫn tới tỷ lệ lấp đầy giảm và tỷ lệ trống tăng lên.

Nguồn: SHS

Ngược lại, với các mức thuế quan thấp hơn, mức độ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ ít hơn, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng gián tiếp lên các doanh nghiệp trong ngành bất động sản KCN.

Khả năng các doanh nghiệp FDI rời bỏ Việt Nam là không cao

Ở góc nhìn lạc quan hơn, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC, HOSE: BSI) cho rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2025-2027 có thể tăng trưởng chậm lại do bất ổn thương mại. Tuy nhiên, khả năng các doanh nghiệp FDI rời bỏ Việt Nam là không cao, do việc thiết lập cơ sở sản xuất lớn thường cần tối thiểu 4-5 năm, vượt quá nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ hiện tại.

Quan trọng hơn, nếu Việt Nam giữ vững các yếu tố nền tảng như ổn định chính trị, kiểm soát lạm phát – tỷ giá, cải thiện pháp lý và hạ tầng, thì vẫn có khả năng hút được các “ông lớn” đầu chuỗi cung ứng, thay vì chỉ đón nhận các nhà cung ứng vệ tinh.

Thanh Tú

FILI - 11:44:12 24/05/2025