Tổng Giám đốc ACB: "Doanh nghiệp mong mỏi nhất là cắt giảm và số hóa thủ tục hành chính"

date
09/05/2025 21:24

Tổng Giám đốc ACB: "Doanh nghiệp mong mỏi nhất là cắt giảm và số hóa thủ tục hành chính"

Phát biểu tại tọa đàm góp ý Nghị quyết 68, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB - thay mặt khối doanh nghiệp bày tỏ mong muốn lớn nhất hiện nay là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch và số hóa toàn diện, từ đó tạo lực đẩy cho sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB phát biểu tại toạ đàm - Ảnh: VGP

"Chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ đi vào cuộc sống"

Tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" tổ chức chiều 09/05, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi với ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB), về cảm nhận cá nhân khi được ví von là "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế" trong bối cảnh đất nước đang thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.

Trả lời câu hỏi, ông Từ Tiến Phát cho rằng hình ảnh doanh nhân là chiến sĩ hoàn toàn đúng trong thời kỳ đầy biến động hiện nay, từ cạnh tranh khốc liệt, áp lực thị trường đến các vấn đề thuế quan. "Trách nhiệm của doanh nhân là giữ được doanh nghiệp của mình. Làm sao để cạnh tranh tốt hơn, đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn là việc thường trực hàng ngày", ông Phát nói.

Theo Tổng Giám đốc ACB, khi Nghị quyết 68 khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, điều này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi, cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu. Việc triển khai đang diễn ra rất gấp rút".

Với vai trò một tổ chức tài chính, ACB tự xem mình là hậu phương tài chính cho các doanh nghiệp - những người ở tuyến đầu trận địa thể chế. Trách nhiệm đặt lên vai ngân hàng là cung ứng vốn rẻ, xây dựng hệ thống chuyển đổi số thanh toán hiện đại, giúp doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. "Chúng tôi đánh giá rất cao và nhìn nhận đây là một bước đổi mới lớn của Việt Nam", ông Phát chia sẻ.

4 nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp

Dẫn lại các nội dung cốt lõi trong Nghị quyết 68, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặc biệt nhấn mạnh các chính sách khuyến khích hình thành các doanh nghiệp lớn "đầu đàn", các tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Nghị quyết đề xuất hàng loạt giải pháp như miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu, tạo điều kiện tiếp cận đất công, cơ chế tín dụng ưu tiên, hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Từ Tiến Phát đánh giá cao tính thực tiễn của Nghị quyết khi đi sát mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp trong suốt nhiều năm qua: chi phí, thủ tục, thị trường và chuyển đổi xanh.

"Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu là chính sách tuyệt vời. Đây là giai đoạn sinh tồn của doanh nghiệp, đặc biệt với các start-up, và việc miễn thuế sẽ giúp nuôi dưỡng những doanh nghiệp này", ông nói.

Liên quan đến việc tiếp cận đất công, ông Phát thừa nhận chi phí thuê tài sản công phù hợp vẫn là thách thức với doanh nghiệp. Vấn đề tài sản thế chấp, định giá, và minh bạch thuế cũng gây cản trở lớn trong tiếp cận vốn.

Ông cũng chỉ ra thực tế cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chưa phát huy hiệu quả. "Giai đoạn đầu có bảo lãnh, nhưng dần dần không còn hiện thực. Chúng tôi cho rằng bảo lãnh cần bám sát nhu cầu thực chất của doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở vay vốn".

Một điểm sáng khác trong Nghị quyết được ông Phát đánh giá cao là định hướng phát triển kinh tế chuỗi. "Nghị quyết góp phần phát triển doanh nghiệp lớn, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng. Đây là chính sách rất đột phá".

Tổng Giám đốc ACB đặc biệt nhấn mạnh nội dung chuyển đổi xanh - yếu tố lần đầu tiên được đưa vào một Nghị quyết của Đảng về kinh tế tư nhân. Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 đã được Chính phủ đề ra, nhưng theo ông Phát, cần sớm có hướng dẫn cụ thể và khung tín dụng để hiện thực hóa.

Bàn thêm về tính khả thi, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi: "Doanh nghiệp thực sự cần gì, và đâu là thứ có thể chuyển động ngay?". Ông Từ Tiến Phát thẳng thắn: "Điều chúng tôi mong mỏi nhất là cắt giảm và số hóa thủ tục hành chính. Khi còn yếu tố con người thì vẫn còn rủi ro. Chỉ khi số hóa, tự động hóa triệt để thì mới loại bỏ được thủ tục rườm rà".

Vấn đề thứ hai là tính nhất quán trong thực thi chính sách giữa các địa phương. "Doanh nghiệp không chỉ hoạt động ở một tỉnh. Nếu mỗi nơi hiểu và áp dụng luật khác nhau thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn có sự thống nhất toàn quốc để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng ghi nhận: "Chúng ta vừa nghe đại diện doanh nghiệp tư nhân chia sẻ các đề xuất rất thiết thực, đúng và trúng với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là với kinh tế xanh. Nếu không chuyển kịp, chúng ta sẽ mất thị trường lớn, nhất là châu Âu - nơi đang áp dụng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe".

Tùng Phong

FILI - 20:22:28 09/05/2025