Trải nghiệm coin thủ (kỳ 2): Bẫy FOMO và những chuyến entry “ngoài đảo”
Tiếp tục câu chuyện của Mạnh – coin thủ trẻ tuổi nhập môn và đã cháy tài khoản. Sau 2 lần “tổn thương”, Mạnh trở lại thị trường với tâm thế cẩn trọng hơn nhưng vẫn phải nhận thêm bài học bất đắc dĩ.
* “Biết trước đã giàu” và bài học cay đắng từ coin thủ… cháy tài khoản
Sau những tổn thương từ lần đầu, Mạnh hạ quyết tâm tránh xa tiền ảo (crypto). Nhưng không phải tự nhiên crypto được xem là một sân chơi nhiều cám dỗ. Có mặt trong nhiều hội nhóm, những tấm hình “khoe lãi” cả ngàn phần trăm từ các coin thủ khác khiến Mạnh cảm thấy rạo rực. Để rồi với tháng lương kế tiếp, Mạnh một lần nữa nạp tiền. Nhưng dù đã cẩn thận hơn và hạn chế tâm lý “ăn thua” với thị trường, Mạnh vẫn rơi vào một cạm bẫy phổ biến với các nhà đầu tư mới: FOMO.
![]() Một trong những cám dỗ lớn nhất của thị trường coin là những lệnh khoe lãi từ cộng đồng |
Bẫy FOMO và những chuyến entry “ngoài đảo”
Trở lại thị trường với tâm thế cẩn thận hơn, Mạnh đã dành một khoản thời gian để đọc về phân tích kỹ thuật, tiếp thu kiến thức và một số phương pháp đọc tin tức thị trường. Nhưng có một thứ Mạnh đã chưa chuẩn bị đủ, đó là tâm lý.
Ở bất kỳ loại hình đầu tư nào, tâm lý luôn chiếm vai trò quan trọng. Nhà đầu tư thường muốn kiếm tiền nhanh nhưng lại sợ thua lỗ, đôi khi trở nên mất niềm tin vào thị trường. Trường hợp của Mạnh, anh vướng phải một điều cũng rất phổ biến là FOMO (Fear of missing out, hay tâm lý sợ bỏ lỡ).
Lần trở lại này, Mạnh vẫn giữ mục tiêu “nhân vốn”, tiếp tục lựa chọn thị trường tương lai để đầu tư. Mạnh chọn những coin mạnh với xu hướng tương đối rõ ràng, như BTC (Bitcoin) và altcoin ETH (Etherium).
Tuy nhiên, thời gian “học tập” tương đối gấp gáp khiến Mạnh không có nhiều kinh nghiệm về phân tích kỹ thuật. Dù nhận biết cơ bản được các xu hướng lên xuống dài hạn, nhưng Mạnh không nắm được chính xác các điểm ra – vào (entry). Hơn nữa, các đồng coin mạnh như BTC và ETH có biên độ dao động không lớn trong ngắn hạn (thường chỉ vài phần trăm, trong khi các altcoin và memecoin có thể tăng giảm đến cả chục phần trăm). Do vậy, anh vẫn thường tìm đến những altcoin và meme coin khác theo các lệnh của bạn bè trong nhóm.
Có điều, quá trình vào lệnh của Mạnh gặp trở ngại lớn ở tâm lý. Khi bạn bè “show lệnh” và tự bản thân xác định được xu hướng dài hạn, Mạnh vội vàng đặt lệnh theo giá thị trường vì sợ lỡ sóng – điển hình của tâm lý FOMO.
![]() Do ra vào sai thời điểm và phải "gồng", nhà đầu tư rơi vào cảnh lựa chọn giữa lỗ ít và lỗ nặng hơn |
Vấn đề là dù xác định được xu hướng dài hạn, quá trình đi đúng xu hướng của tiền ảo thường đi kèm sự rung lắc rất lớn. Một đồng coin có thể bất ngờ tăng vọt hoặc giảm sâu bất chấp xu hướng dài hạn là gì. Ngoài ra, xu hướng trong tiền ảo cũng chỉ là một yếu tố tham khảo khi giá có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào vì bất kể nguyên nhân là gì. Hệ quả, Mạnh liên tục gặp phải những lệnh khi mức giá đã đi hết biên độ và đảo chiều (hay còn gọi vui là những entry “ngoài đảo”), để rồi phải vất vả gồng và đợi giá… bơi về bờ.
![]() FOMO dễ khiến nhà đầu tư vào trúng những lệnh entry "ngoài đảo". Ảnh minh họa |
Thêm vào đó, do tâm lý giàu nhanh, tổng khối lượng giao dịch (tính cả đòn bẩy) của Mạnh thường tương đối lớn, có lúc lên tới 5,000 – 10,000 USDT. Khi vào các lệnh lớn, tâm lý ngại rủi ro thường gia tăng. Với các entry “ngoài đảo”, Mạnh hình thành tâm lý chỉ mong… về bờ để không lỗ hoặc giảm mức lỗ đang chịu, nhưng lại dẫn đến lỗ nặng hơn vì không cắt lệnh đúng lúc. Đến khi đi đúng xu hướng, anh cũng không dám giữ lâu mà chỉ chốt lệnh với lợi nhuận không quá lớn. Điều này dẫn đến việc Mạnh thường xuyên thắng được các lệnh nhỏ rồi lỗ ngược với các lệnh thua lớn (do gồng sai xu hướng).
Thậm chí, ngay cả các coin mạnh đôi lúc cũng có những biến động đáng sợ. ETH đã trải qua cú sụt tới 20% trong vòng 1 tháng (thời điểm Mạnh trở lại thị trường). Vì tâm lý FOMO, Mạnh trải qua nhiều lệnh long (mua) tưởng bắt đáy nhưng lại thành… ra đảo. Sau cùng, các lệnh như vậy đưa tài khoản của Mạnh ra đảo thật, khi anh mất tới 90% NAV trong vòng chưa đầy 2 tuần.
![]() Cú trượt của ETH giai đoạn cuối tháng 3 - cuối tháng 4. Nguồn: CoinMarketCap |
Những bài học từ sự tổn thương
Chứng kiến tài khoản bốc hơi, Mạnh tắt bảng điện trong sự chua xót. Đổi lại, anh nhận về bài học lớn về tâm lý FOMO trong đầu tư.
Đầu tiên là bài học kiên nhẫn. Tuyệt đối tránh việc chạy theo xu hướng khi giá đã tăng quá cao hoặc giảm quá mạnh, mà nên chờ đợi giá có sự điều chỉnh về vùng hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro “ra đảo”.
Thứ 2, cần nắm vững các công cụ phân tích như MA (đường trung bình động) hay những chỉ báo như RSI (chỉ số sức mạnh tương đối) có vai trò khá quan trọng để xác định đồng coin có đang ở trạng thái “quá mua” (overbought) hay không, cũng như giúp nhà đầu tư xác định entry an toàn hơn.
Thứ 3, cần đặt ra các mức chốt lời (take profit) và cắt lỗ (stop loss) trước khi vào lệnh. Việc xác định entry thực tế chỉ mang tính tương đối, nên cần duy trì kỷ luật về quản lý vốn, tránh để cảm xúc chi phối khi thị trường biến động.
Cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất mà Mạnh rút ra về tâm lý FOMO: vào lệnh không biết lời hay lỗ, nhưng chưa vào thì chắc chắn chưa mất tiền.
Châu An