Trump chuẩn bị dỡ bỏ các hạn chế chip toàn cầu, chuẩn bị siết quy định AI
Chính quyền của ông Donald Trump dự kiến sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu chip AI được ban hành dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhằm điều chỉnh lại các quy định thương mại về bán dẫn, lĩnh vực đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tập đoàn công nghệ lớn và nhiều Chính phủ nước ngoài.
Dù chưa phải quyết định cuối cùng, động thái này hướng tới việc thay đổi chính sách mà ông Biden từng triển khai, trong đó chia các quốc gia thành 3 nhóm để kiểm soát xuất khẩu chip của Nvidia và các hãng khác. Theo các nguồn tin, chính quyền Trump sẽ không thực thi cái gọi là “quy tắc lan tỏa AI” (AI diffusion rule) khi quy tắc này dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/05.
Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị chuyến công du Trung Đông, nơi nhiều quốc gia như Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) từng bày tỏ không đồng tình với các hạn chế tiếp cận chip AI. Các quan chức của ông Trump cũng đang soạn thảo một quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát chip ở nước ngoài, theo các nguồn tin đề nghị giấu tên.
Cổ phiếu của các hãng sản xuất chip đã tăng giá sau khi Bloomberg News đưa tin về động thái này. Cụ thể, cổ phiếu Nvidia tăng 3.1%, trong khi chỉ số bán dẫn Philadelphia một chỉ số tham chiếu quan trọng của ngành cũng tăng 1.7%.
Theo một nguồn tin, quyết định của Chính phủ có thể sẽ được công bố ngay trong ngày 08/05.
Bối cảnh chính sách chip AI thời Biden
Quy tắc lan tỏa AI, được công bố vào tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Biden, đã đặt ra các yêu cầu cấp phép mới đối với việc xuất khẩu chip AI sang phần lớn quốc gia. Đây là bước đi cuối cùng sau nhiều năm Mỹ siết chặt kiểm soát thương mại bán dẫn, nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip AI thông qua các bên trung gian. Đồng thời, quy định này cũng đặt ra tiêu chuẩn an ninh mới, lôi kéo thêm nhiều quốc gia vào quỹ đạo công nghệ của Mỹ bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc tiếp cận công nghệ AI hàng đầu.
“Quy tắc AI thời Biden quá phức tạp, quan liêu và sẽ kìm hãm đổi mới sáng tạo của Mỹ”, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi sẽ thay thế bằng một quy tắc đơn giản hơn, thúc đẩy đổi mới và đảm bảo vị thế dẫn đầu của AI Mỹ”.
Trump sẽ điều chỉnh kiểm soát chip toàn cầu
Các quy định thời Biden chia thế giới thành 3 nhóm tiếp cận chip: Nhóm 1 xanh dương (nới lỏng nhất), Nhóm 2 vàng, Nhóm 3 hồng (siết chặt nhất). Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ. Lưu ý: Dữ liệu bản đồ thể hiện mức độ hạn chế trong xuất khẩu chip đối với từng thị trường riêng biệt. |
Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các hạn chế xuất khẩu chip trong thời gian xây dựng quy định mới. Một phần của việc bãi bỏ quy tắc lan tỏa AI là áp dụng kiểm soát xuất khẩu chip đối với những quốc gia từng chuyển hướng chip sang Trung Quốc, bao gồm cả Malaysia và Thái Lan.
Nvidia, hãng dẫn đầu về chip huấn luyện AI, nhiều lần phản đối các biện pháp hạn chế ngày càng gia tăng của Mỹ. Công ty liên tục chỉ trích quy tắc lan tỏa AI và kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn, cho rằng việc siết chặt với các nước thứ ba chỉ khiến họ xích lại gần Trung Quốc hơn. Tuần này, CEO Jensen Huang nhấn mạnh các doanh nghiệp Mỹ nên được phép bán chip vào Trung Quốc, nơi ông dự đoán sẽ trở thành thị trường chip AI trị giá 50 tỷ USD vài năm tới.
![]() Ông Jensen Huang - Ảnh: Patrick T. Fallon/AFP/Getty Images |
Dù vậy, chính quyền Trump vẫn tăng cường các biện pháp nhằm vào tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, như cấm Nvidia bán chip H20 tại Trung Quốc, khiến hãng này phải ghi nhận khoản lỗ 5.5 tỷ USD.
Tác động và phản ứng quốc tế
Việc bãi bỏ quy tắc lan tỏa AI sẽ tạm thời “giải tỏa” cho các quốc gia như Ấn Độ và Malaysia, vốn trước đây không bị hạn chế xuất khẩu chip cho đến khi khung quy định mới được ông Biden công bố vào tháng 1. Đặc biệt, việc trì hoãn áp dụng các hạn chế với Malaysia sẽ tạo thuận lợi cho Oracle, công ty đang lên kế hoạch mở rộng trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại đây, dự kiến vượt quá các giới hạn của quy tắc lan tỏa AI.
Động thái của chính quyền Trump cũng được các nước từng chịu các vòng hạn chế trước đó như UAE và Saudi Arabia hoan nghênh, bởi họ sẽ có thêm cơ hội đàm phán các điều kiện thuận lợi hơn với Washington. Từ năm 2023, các quốc gia này cùng nhiều nước vùng Vịnh và một số nước Đông Nam Á đã phải tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu chip, nên việc trì hoãn quy tắc lan tỏa AI chỉ giúp giảm bớt áp lực, chứ chưa dỡ bỏ hoàn toàn yêu cầu xin phép khi mua chip Nvidia cho các trung tâm dữ liệu tại đây.
Ông Trump từng bày tỏ ý định nới lỏng hạn chế cho UAE và có thể sẽ công bố việc bắt đầu đàm phán một thỏa thuận về chip AI giữa hai Chính phủ khi ông tới thăm tiểu vương quốc này trong chuyến công du Trung Đông từ ngày 13 đến 16/05. UAE đặc biệt tích cực thúc đẩy thỏa thuận này, đồng thời cam kết sẽ đầu tư tới 1,400 tỷ USD vào công nghệ và hạ tầng của Mỹ trong thập kỷ tới, một lời hứa giúp họ có thêm lợi thế trong các cuộc thảo luận với Washington.
Việc đạt được thỏa thuận với hàng loạt quốc gia muốn mua chip Nvidia là một nhiệm vụ vô cùng lớn, bởi điều này có thể dẫn đến hàng chục chính sách riêng biệt mà các doanh nghiệp phải tuân thủ.
Ngoài việc phân nhóm quốc gia và áp đặt các hạn chế xuất khẩu chip, quy tắc lan tỏa AI còn bổ sung kiểm soát đối với “trọng số mô hình AI”, tức các tham số số học mà phần mềm sử dụng để xử lý dữ liệu và đưa ra dự đoán hoặc quyết định. Hiện kế hoạch của chính quyền Trump đối với các biện pháp kiểm soát này vẫn đang được thảo luận.
Quốc An (Theo Bloomberg)