Trung Quốc dỡ lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm cho 28 thực thể Mỹ
Trong một diễn biến bất ngờ làm dịu căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường kinh tế, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 14/05 thông báo tạm dừng các hạn chế xuất khẩu đất hiếm và công nghệ quân sự cho 28 thực thể Mỹ.
Động thái xuống thang lớn hơn dự báo của giới chuyên gia này là kết quả từ thỏa thuận "đình chiến" mà hai bên đạt được sau các cuộc đàm phán tại Thụy Sỹ cuối tuần trước. Ông Trump mô tả đây là "một bước thiết lập lại hoàn toàn" quan hệ song phương.
Chỉ sáu tuần trước, vào ngày 04/04, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu 7 loại đất hiếm cho 16 thực thể Mỹ như một biện pháp trả đũa thuế quan của Washington. Danh sách này sau đó được mở rộng thêm 12 thực thể vào ngày 09/04. Những kim loại đất hiếm bị cấm bao gồm samari, gadolinium, terbi, dysprosi, luteti, scandi và ytri - tất cả đều là vật liệu không thể thiếu trong sản xuất con chip, xe điện, hệ thống tên lửa và công nghệ hàng không vũ trụ.
Theo thông báo mới nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc được phép nộp đơn xin giấy phép xuất khẩu trong vòng 90 ngày tới. Bắc Kinh cũng sẽ tạm dừng lệnh cấm doanh nghiệp trong nước giao thương với 17 công ty Mỹ.
Trung Quốc hiện thống trị thế giới về đất hiếm khi chiếm tới 90% sản lượng. Với một số kim loại đất hiếm nặng như dysprosi và terbi, thị phần của nước này lên tới 99%. Đây là hai nguyên tố quan trọng cho sản xuất công nghệ năng lượng sạch, thiết bị quân sự và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác.
Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng đất hiếm. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc cung cấp một nửa lượng khoáng sản nhập khẩu quan trọng của Mỹ trong năm 2024.
Việc giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc là một ưu tiên chiến lược của Mỹ. Trong ngày nhậm chức hồi tháng 1, ông Trump công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng với lý do giá năng lượng cao và sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài là các mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.
Vào tháng 3, ông viện dẫn một điều khoản của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy hoạt động khai thác khoáng sản quan trọng trong nước và mở đường cho các hỗ trợ liên bang cho lĩnh vực này thông qua các khoản vay, ưu đãi thuế và hợp tác đầu tư.
Song song với việc phát triển nguồn cung nội địa, Washington cũng đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung thay thế ở nước ngoài. Các kế hoạch đầy tham vọng bao gồm khai thác trữ lượng đất hiếm ở Greenland và Ukraine, cùng với việc đẩy nhanh thăm dò dưới biển sâu ở nhiều vùng biển quốc tế.
Vũ Hạo (Theo Reuters)