Trung Quốc mạnh tay kích thích kinh tế

date
07/05/2025 10:40

Trung Quốc mạnh tay kích thích kinh tế

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ ngày một leo thang, Trung Quốc vừa công bố quyết định cắt giảm lãi suất chủ chốt và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm lãi suất hợp đồng repo ngược 7 ngày từ 1.5% xuống 1.4%, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nửa điểm phần trăm.

Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc và Mỹ thông báo sẽ tổ chức cuộc đàm phán thương mại đầu tiên vào cuối tuần này - kể từ khi Donald Trump áp thuế quan 145% lên hầu hết hàng hóa Trung Quốc. Thống đốc PBOC Pan Gongsheng đã công bố quyết định này tại cuộc họp báo quan trọng, với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc Wu Qing và người đứng đầu Cơ quan Quản lý tài chính quốc gia Li Yunze.

Trước đó, Thống đốc Pan đã vạch ra một kế hoạch gồm 10 biện pháp tổng thể, trong đó việc cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ là phần mở màn. Ngân hàng trung ương cũng cam kết giải phóng khoảng 1,000 tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào hệ thống.

Ngoài ra, PBOC sẽ thiết lập một công cụ tái cấp vốn trị giá 500 tỷ Nhân dân tệ dành riêng cho tiêu dùng và chăm sóc người già, đồng thời tăng quỹ tái cấp vốn cho lĩnh vực công nghệ thêm 300 tỷ Nhân dân tệ. Họ cũng có kế hoạch mở rộng hỗ trợ cho nông nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Đây không chỉ là nới lỏng - mà là Bắc Kinh đang đặt nền tảng cho khả năng phục hồi, cải cách và đáp trả nếu cần thiết", Charu Chanana, Chiến lược gia đầu tư trưởng của Saxo Markets tại Singapore nhận định. Ông Chanana cho rằng sự tập trung vào công nghệ, tiêu dùng và chăm sóc người già báo hiệu nỗ lực sâu rộng hơn để củng cố các động lực cấu trúc của nền kinh tế.

Các chuyên gia từ Bloomberg Economics nhận định: "PBOC đang dẫn đầu nỗ lực bảo vệ nền kinh tế khỏi cú sốc chiến tranh thương mại bằng việc cắt giảm lãi suất và các hỗ trợ tiền tệ khác. Động thái này tương tự chiến lược đã sử dụng vào tháng 9 năm ngoái".

Về phía tài chính, Li Yunze từ Cơ quan Quản lý tài chính quốc gia cũng cam kết sớm giới thiệu một loạt chính sách tài chính để ổn định thị trường bất động sản, nới lỏng quy định về đầu tư cổ phiếu của các công ty bảo hiểm, và tung ra gói biện pháp tăng cường tài trợ cho các công ty nhỏ và tư nhân.

"Thời điểm hiện tại dường như khá phù hợp", Lynn Song, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ING Bank nhận xét. "Cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đã được công bố và các biện pháp cắt giảm tránh tạo ấn tượng như việc Trung Quốc nhún nhường trước áp lực thuế quan, trong khi Nhân dân tệ đang trên đà mạnh lên”.

Trung Quốc hiện đang đối mặt với thách thức lớn. Xuất khẩu có thể suy giảm năm nay sau khi đóng góp tới 40% tăng trưởng kinh tế trong quý đầu năm. Vì vậy, Bắc Kinh đang tìm cách chuyển đổi sang nhu cầu nội địa để duy trì tăng trưởng. Nếu không có biện pháp kích thích mạnh hơn, tăng trưởng có thể bắt đầu suy yếu từ quý 2 và đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay vào nguy cơ.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã cam kết "chuẩn bị đầy đủ" các kế hoạch khẩn cấp để đối phó với những cú sốc bên ngoài ngày càng tăng trong cuộc họp Bộ Chính trị cuối tháng 4.

"Thông báo hôm nay phản ánh nỗ lực có tổ chức không chỉ để hỗ trợ thanh khoản, mà còn kích thích thị trường và nền kinh tế rộng hơn", Frances Cheung, Giám đốc điều hành và chiến lược gia lãi suất tại Ngân hàng OCBC cho biết. "Việc có một nền kinh tế kiên cường hơn cũng sẽ là một lá bài để chơi trước thuế quan."

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI - 09:38:21 07/05/2025