Trung Quốc xem thỏa thuận thương mại với Mỹ là chiến thắng vang dội cho Bắc Kinh

date
13/05/2025 10:26

Trung Quốc xem thỏa thuận thương mại với Mỹ là chiến thắng vang dội cho Bắc Kinh

Giới chức Trung Quốc xem thỏa thuận thương mại ban đầu và việc tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày với Mỹ như một chiến thắng và sự khẳng định chiến lược đàm phán của Bắc Kinh.

Họ cho rằng lập trường công khai thách thức của mình đã phát huy hiệu quả và là lý do quan trọng giúp họ đạt được thỏa thuận với các quan chức Mỹ tại Thụy Sĩ mà không phải nhượng bộ nhiều.

"Các biện pháp đối phó kiên quyết và lập trường cứng rắn của Trung Quốc đã mang lại hiệu quả cao", một tài khoản mạng xã hội liên kết với CCTV, đài truyền hình quốc gia, cho biết.

* Nóng: Mỹ và Trung Quốc nhất trí giảm mạnh thuế quan trong 90 ngày

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong mắt người dân Trung Quốc, các nhà đàm phán từ Bắc Kinh đã thuyết phục được chính quyền Tổng thống Donald Trump hạ mức thuế quan từ mức khổng lồ 145% xuống còn 30%. Đổi lại, Trung Quốc chỉ cần gỡ bỏ phần lớn các biện pháp thuế đáp trả mà họ đã công bố trước đó.

Mạng xã hội Trung Quốc nhanh chóng bùng nổ với tâm lý phấn khởi. Hashtag #USChinaSuspending24%TariffsWithin90Days đã thu hút tới 420 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo chỉ sau một thời gian ngắn. Con số 24% này xuất phát từ phần đầu tuyên bố chung mà hai bên công bố, và đã trở thành biểu tượng cho thỏa thuận này.

Theo thỏa thuận, Mỹ giảm thuế nhập khẩu từ 145% xuống 30% đối với hàng Trung Quốc, trong khi Trung Quốc hạ thuế từ 125% xuống 10% cho hàng Mỹ.

Chun Feng Yi Ran, một người dùng Weibo, viết: "Tổ tiên chúng ta đã không khuất phục, tại sao chúng ta phải từ bỏ những gì mình có?". Bài đăng nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt thích.

Bắc Kinh cũng sử dụng thỏa thuận thương mại này để chứng minh với thế giới rằng họ là một đối tác thương mại có trách nhiệm, ngay cả khi chiến thuật đàm phán của Trung Quốc thường xuyên là điểm gây thất vọng cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và các đối tác thương mại.

Các giám đốc điều hành nước ngoài đã không ít lần phàn nàn về "sự mệt mỏi với những lời hứa" từ Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc thường nói về hợp tác, nhưng hành động thực tế lại không tương xứng. Lần này cũng không ngoại lệ khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ thiết lập "cơ chế tham vấn" mới với chính quyền Trump để duy trì đối thoại về các vấn đề kinh tế.

Mặc dù các biện pháp được thỏa thuận tại Geneva chính thức có hiệu lực từ ngày 14/05, Bắc Kinh đã âm thầm cấp các ngoại lệ cho một số doanh nghiệp hoạt động trong nước từ trước cuộc đàm phán.

Một điểm quan trọng trong thỏa thuận là Trung Quốc đồng ý "áp dụng mọi biện pháp hành chính cần thiết để tạm ngừng hoặc loại bỏ các biện pháp đối phó phi thuế quan". Điều này đặc biệt có ý nghĩa với việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm - những khoáng sản thiết yếu cho ngành công nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã gửi một số tín hiệu trái chiều về việc hợp tác trong lĩnh vực kim loại trong ngày 12/05. Bộ Thương mại tái khẳng định việc siết chặt kiểm soát buôn lậu đất hiếm vì lý do an ninh quốc gia, và cho biết "các thực thể nước ngoài" chịu trách nhiệm một phần.

Thị trường toàn cầu đã phản ứng tích cực ngay lập tức. Chứng khoán toàn cầu tăng vọt khi tin tức về thỏa thuận được công bố, cho thấy nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm trước việc giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đang làm rung chuyển nền kinh tế thế giới.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI - 09:24:19 13/05/2025