Việt Nam đã làm gì để đàm phán thuận lợi với Mỹ
Đầu tháng 4 năm 2025, Peter Navarro – cố vấn thương mại nổi tiếng với lập trường bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump – đã đưa ra những nhận định cứng rắn về mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong một loạt tuyên bố gây chú ý, ông đã chỉ ra ba mối quan ngại lớn mà theo ông, đang làm tổn hại nghiêm trọng đến cán cân thương mại giữa hai nước.
Trước hết, Navarro cho rằng Việt Nam đang đóng vai trò là trạm trung chuyển cho hàng hóa từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ để né tránh thuế quan do Washington áp đặt.
Thứ hai, Navarro cho rằng chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) của Việt Nam gây ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mỹ tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, ông cho rằng Việt Nam áp thuế VAT cao đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ trong khi lại hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này tạo nên sự bất cân xứng về thuế suất, khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ và khó tiếp cận hơn với người tiêu dùng Việt Nam.
Peter Navarro đặc biệt nhấn mạnh tình trạng vi phạm bản quyền và gian lận hàng hóa có xuất xứ, bao gồm cả các hành vi như sao chép phần mềm, nhái thiết kế công nghiệp, làm giả logo và bao bì, khiến các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại nặng nề.
Với các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm như Peter Navarro đã tuyên bố hồi đầu tháng 4/2025, Việt Nam đã thực hiện một số hành động.
Đầu tiên là giảm thuế VAT để hỗ trợ tiêu dùng và sản xuất trong nước. Đây được coi là bước đi dễ thực hiện hơn cả; vừa giúp Việt Nam tránh được chỉ trích của Mỹ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Thực tế là Việt Nam trong hơn một năm gần đây đã giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% và có thể kỳ vọng giảm sâu hơn nữa trong thời gian sắp tới. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có thể biến động mạnh, việc duy trì sức mua nội địa là yếu tố then chốt giữ vững tăng trưởng GDP và ổn định sản xuất. Ngoài ra, trong bối cảnh hàng hóa từ Trung Quốc có thể "xả tràn" sang thị trường Việt Nam do không bán được ở Mỹ, thì việc giảm VAT cho hàng nội sẽ giúp hàng Việt tăng sức cạnh tranh, tránh bị lấn át bởi hàng nhập giá rẻ.
Tiếp theo là cấm hoặc hạn chế tối đa hàng lậu, hàng giả, hàng không bản quyền. Trong những tuần gần đây, chủ đề hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang nhận được nhiều sự quan tâm của cả Chính phủ Việt Nam và người dân. Việt Nam, từ giữa tháng 4/2025 đã thực hiện nhiều vụ xử lý lớn như sữa giả và thuốc giả tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech,… Quy mô các vụ này đều được cho là lớn nhất từ trước tới nay. Những hành động này của Việt Nam có thể được coi là những công cụ đàm phán tốt với chính quyền của Donald Trump để giảm thuế đối ứng trong quá trình đàm phán.
Thứ ba là đưa ra những chính sách chọn lọc, hạn chế một phần dòng vốn đầu từ của Trung Quốc sang Việt Nam. Đây được đánh giá là một trong những vấn đề khó khăn nhất với Việt Nam khi đàm phán với Mỹ. Đặc thù địa lý của Việt Nam và Trung Quốc, chính sách ngoại giao của Việt Nam, làm cho việc ngăn hoàn toàn các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hàng và cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ, không hề đơn giản.
Tuy vậy, để giải quyết những vướng mắc như Peter Navarro nêu hồi đầu tháng 4/2025, Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện một số bước đi nhằm hạn chế một phần dòng chảy vốn này. Cụ thể, ngày 15/4/2025, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT, yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa, nhằm phòng chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Trước đó, ngày 10/4/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 2515/BCT-XNK về việc tăng cường quản lý nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nhằm đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn việc lợi dụng nguyên liệu nhập khẩu để gian lận xuất xứ. Ngoài ra, kể từ ngày 5/5/2025, Bộ Công Thương chính thức thực hiện thống nhất một đầu mối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi và không ưu đãi, nhằm tăng cường kiểm soát và phòng chống gian lận xuất xứ .
Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam cũng đang thực hiện tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, giảm mức thấp hụt thương mại. Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 5.66 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4, con số này đạt 1.57 tỷ USD, tăng hơn 40% so với tháng 4/2024. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1.82 tỷ USD, tăng 58%), cùng với bông, máy móc, thiết bị, chất dẻo nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi.
Việt Nam cam kết tiếp tục nhập khẩu mạnh hàng hóa từ Mỹ, bao gồm khoảng 90.3 tỷ USD, trong đó: 50.15 tỷ USD các hợp đồng và thỏa thuận đã ký kết, tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí và nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu. Khoảng 4.15 tỷ USD các thỏa thuận đã ký kết ngày 13/3/2025 và 36 tỷ USD các thỏa thuận đang được đàm phán và dự kiến ký kết trong thời gian tới.
Như vậy, với cả ba vấn đề mà phía Mỹ quan ngại sau khi công bố mức thuế quan đối ứng rất cao với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện những bước đi quan trọng, kịp thời, làm nền tảng cho những cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ, mục tiêu là hạ mức thuế từ 46% xuống mức thấp nhất có thể. Chúng ta có thể hy vọng những cuộc đàm phán này sẽ diễn ra thuận lợi với Việt Nam.
Chu Tuấn Phong