Vợ Chủ tịch PVR đăng ký bán sạch 24.05% vốn giữa lúc Công ty ngừng kinh doanh trong năm 2025
Bà Trần Thị Thắm, vợ ông Bùi Văn Phú - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR), vừa đăng ký bán toàn bộ gần 12.5 triệu cp PVR nắm giữ, tương đương 24.05% vốn điều lệ Công ty. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 15/05-13/06, nhằm mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Nếu thương vụ thành công, bà Thắm sẽ không còn là cổ đông lớn tại PVR. Trong khi đó, ông Bùi Văn Phú - Chủ tịch HĐQT vẫn đang sở hữu hơn 2.7 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 5.23%.
Diễn biến giá cổ phiếu PVR từ đầu năm 2018 đến phiên 13/05/2025 | ||
Chốt phiên 13/05, cổ phiếu PVR đứng ở giá tham chiếu 1,100 đồng/cp trong tình trạng không có giao dịch. Tạm tính theo mức giá này, bà Thắm có thể thu về gần 14 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký.
Đây không phải lần đầu bà Thắm muốn rút hết vốn khỏi PVR. Trước đó, trong thời gian từ 15/08-10/09/2024, bà từng đăng ký bán với khối lượng tương tự nhưng không thực hiện được do không có thanh khoản.
Động thái thoái vốn lần này diễn ra trong bối cảnh PVR vừa thông báo tiếp tục tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2025 do thiếu kinh phí duy trì hoạt động. Công ty cho biết đang trong quá trình sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm định hướng kinh doanh mới. Trước đó, PVR từng tạm ngừng hoạt động từ tháng 11/2023 đến ngày 14/11/2024 với lý do tương tự.
Việc ngừng kinh doanh khiến quý 1/2025 gần như không có doanh thu từ hoạt động cốt lõi. Công ty chỉ ghi nhận doanh thu tài chính vỏn vẹn 48,000 đồng, trong khi phải gánh chi phí tài chính hơn 322 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 61 triệu đồng, dẫn đến khoản lỗ ròng gần 383 triệu đồng trong kỳ.
Tính đến cuối quý 1/2025, PVR đang lỗ lũy kế hơn 89 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn ở mức hơn 14 tỷ đồng. Tài sản chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang được ghi nhận vào hàng tồn kho, trị giá gần 693 tỷ đồng - chiếm 71% tổng tài sản và không thay đổi so với đầu năm. Ngoài ra, Công ty còn có khoản đầu tư tài chính khác trị giá hơn 205 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, kiểm toán viên tiếp tục đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ liên quan đến chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang tại dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tân Viên, các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu - phải trả, cũng như các khoản đầu tư vào CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh, dự án CT10-11 Văn Phú và CTCP Đầu tư Phát triển Bình An.
Việc tiếp tục nhận ý kiến ngoại trừ khiến PVR bị duy trì diện hạn chế giao dịch. Trước đó, cổ phiếu PVR đã bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 26/05/2017 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên báo cáo tài chính năm 2016. Sau đó, cổ phiếu được đưa lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 02/06/2017 và bị hạn chế giao dịch từ tháng 3/2023 do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022.
Khang Di