Warren Buffett học được gì từ những thương vụ thành công và thất bại lớn nhất của mình

date
06/05/2025 20:02

Warren Buffett học được gì từ những thương vụ thành công và thất bại lớn nhất của mình

Từ Coca-Cola đến Berkshire Hathaway, đâu là những khoản đầu tư thành công và đâu là những lần “vấp ngã” của vị Chủ tịch huyền thoại Berkshire Hathaway.

Huyền thoạiWarren Buffett

Warren Buffett sẽ để lại một di sản to lớn với tư cách là nhà đầu tư và người mua lại doanh nghiệp; đồng thời cũng có không ít những “cú trượt chân” đáng nhớ.

Ông đã xây dựng Berkshire Hathaway thành một trong những tập đoàn giá trị nhất thế giới, sở hữu lượng người hâm mộ vượt xa cả các cổ đông trực tiếp hưởng lợi từ thành công của Berkshire. Tuy nhiên, như chính Buffett từng nhấn mạnh, không phải khoản đầu tư nào trong sáu thập kỷ chèo lái Berkshire cũng thành công rực rỡ như thương vụ Apple. Và theo ông, những sai lầm đó cũng mang lại những bài học quý giá.

Dưới đây là một số thương vụ thành công và thất bại lớn nhất của Buffett:

Thành công: Coca-Cola

Khi Buffett lần đầu rót vốn vào hãng nước giải khát này năm 1988, ông nói với cổ đông Berkshire rằng ông dự định nắm giữ cổ phiếu này lâu dài. “Khi chúng tôi sở hữu những doanh nghiệp xuất sắc với ban lãnh đạo xuất sắc, thời gian nắm giữ yêu thích của chúng tôi là mãi mãi”, ông viết trong thư gửi cổ đông năm đó. 

Đúng như lời Buffett, Coca-Cola vẫn là khoản đầu tư chủ lực của Berkshire gần 40 năm sau. Đến cuối năm 2024, giá trị khoản đầu tư này vào khoảng 25 tỷ USD. Cổ tức của Coca-Cola, liên tục tăng qua nhiều thập kỷ, đã mang về cho Berkshire khoảng 770 triệu USD chỉ riêng trong năm 2024.

Cổ phiếu này không chỉ là nguồn thu nhập ổn định mà còn trở thành biểu tượng cho triết lý đầu tư của Berkshire và các cổ đông. Buffett từng là cổ đông lớn nhất của Coca-Cola, từng ngồi ghế hội đồng quản trị và là “người đại diện không biết mệt mỏi” cho thương hiệu này. Ông thường nói mình uống năm lon Cherry Coke mỗi ngày, và sự gắn bó với loại nước ngọt này đã trở thành một phần huyền thoại, thu hút hàng ngàn người về Omaha, Nebraska dự đại hội cổ đông thường niên của Berkshire. 

Khoản đầu tư vào Coca-Cola, cùng với các “ông lớn” khác như American Express và Apple, cũng cho thấy triết lý đầu tư của Buffett đã thay đổi so với thời kỳ đầu chỉ săn cổ phiếu giá rẻ. Chính Charlie Munger, cộng sự lâu năm, là người đã khuyên ông nên chú ý đến các doanh nghiệp chất lượng cao với giá hợp lý.

Sàn giao dịch của Salomon tại thành phố New York năm 1986.

Thất bại: Salomon Brothers

Năm 1987, Berkshire mua cổ phiếu ưu đãi của Salomon Brothers, khi đó vẫn là một trong những “ông lớn” phố Wall. Tuy nhiên, đến năm 1991, ngân hàng đầu tư này vướng vào bê bối khi các nhà giao dịch bị cáo buộc thao túng đấu giá trái phiếu kho bạc. Buffett buộc phải đứng ra làm Chủ tịch để “dọn dẹp” hậu quả, kết thúc bằng việc Salomon phải dàn xếp hàng loạt cuộc điều tra của chính phủ.

Salomon không bao giờ phục hồi hoàn toàn; đến năm 1997, công ty này bán mình cho Travelers Group – tiền thân của Citigroup sau này. Thương vụ này giúp Berkshire vớt vát khoản đầu tư, nhưng để lại nhiều vết sẹo. Trong nhiều năm sau, Buffett và Munger, từng là thành viên hội đồng quản trị Salomon, thường nhắc lại sự kiện này như một bài học cảnh báo về phố Wall.

“Có thể tôi chịu được tin xấu, nhưng tôi không thích phải giải quyết khi nó đã âm ỉ lâu ngày”, Buffett viết trong thư gửi cổ đông Berkshire năm 2010. “Sự chần chừ không đối diện ngay với vấn đề đã biến một rắc rối nhỏ ở Salomon thành chuyện suýt khiến một công ty 8.000 nhân viên sụp đổ”.

Một chiếc xe hybrid của BYD được trưng bày tại Thâm Quyến, Trung Quốc, vào năm 2008.

Thành công: BYD

Buffett ghi nhận Munger là người phát hiện ra BYD khi đó chỉ là một hãng sản xuất pin ít tên tuổi ở Trung Quốc, và khuyến khích Berkshire mua 10% cổ phần vào năm 2008. Chỉ sau hai năm, khoản đầu tư 230 triệu USD này đã trị giá gần 2 tỷ USD.

Cổ phiếu BYD tiếp tục tăng mạnh nhờ nhu cầu xe điện cho đến năm 2022, khi Berkshire bắt đầu giảm dần tỷ lệ sở hữu.

Thất bại: USAir

Năm 1989, Berkshire chi 358 triệu USD mua cổ phiếu ưu đãi của hãng hàng không Mỹ này. Đến giữa thập niên 1990, Buffett phải ghi giảm giá trị khoản đầu tư tới 75% và thừa nhận sai lầm.

“Khi Richard Branson, ông chủ giàu có của Virgin Atlantic Airways, được hỏi làm thế nào để trở thành triệu phú, ông ấy trả lời rất nhanh: Chẳng có gì khó; hãy bắt đầu là tỷ phú rồi mua một hãng hàng không”, Buffett viết trong thư gửi cổ đông năm 1996. “Không tin vào lời Branson, tôi quyết định thử nghiệm bằng cách đầu tư 358 triệu USD vào cổ phiếu ưu đãi 9.25% của USAir năm 1989”.

Buffett thừa nhận ông đã đánh giá thấp mức độ tàn phá mà việc tự do hóa ngành hàng không Mỹ gây ra cho USAir. Giai đoạn 1990 - 1994, USAir lỗ tổng cộng 2.4 tỷ USD. (USAir sau này trở thành US Airways, rồi sáp nhập vào American Airlines.)

Buffett cho biết ông đã đánh giá sai tác động của việc dỡ bỏ quy định đối với ngành hàng không Mỹ đến hoạt động kinh doanh của USAir.

Thành công: MidAmerican Energy

Năm 1999, theo đề xuất của người bạn lâu năm Walter Scott, Buffett mua 75% cổ phần công ty điện lực ở Des Moines này.

MidAmerican, sau đổi tên thành Berkshire Hathaway Energy, phát triển mạnh dưới trướng Berkshire nhờ không chia cổ tức mà dồn lợi nhuận tái đầu tư qua các thương vụ mua lại và đầu tư vốn. BHE trở thành một trong bốn trụ cột của Berkshire, bên cạnh bảo hiểm, đường sắt và cổ phần Apple. Lợi nhuận hoạt động hàng năm tăng từ 122 triệu USD năm 2000 lên gần 4 tỷ USD.

Thương vụ này cũng đưa Greg Abel về làm việc cho Berkshire Hathaway. Buffett dự kiến sẽ chuyển giao vị trí Tổng giám đốc điều hành cho Abel vào cuối năm nay.

Thất bại: Berkshire Hathaway

Vào tháng 5/1964, giám đốc điều hành Seabury Stanton của Berkshire Hathaway khi đó là một công ty dệt may đang gặp khó khăn, đã gửi thư đề nghị mua lại cổ phiếu của các nhà đầu tư với giá 11.375 USD/cổ phiếu. Khi ấy, Warren Buffett là một cổ đông lớn và kỳ vọng mức giá 11.50 USD/cổ phiếu. Trước đó, Stanton đã nói miệng với Buffett rằng sẽ mua với giá này, nhưng khi gửi thư chính thức, ông lại trả giá thấp hơn một chút. “Tôi đã nổi giận với cách hành xử của Stanton và không bán”, Buffett viết trong thư gửi cổ đông năm 2014. Ông thừa nhận: “Đó là một quyết định cực kỳ ngu ngốc”.

Sau đó, Berkshire tiếp tục sa sút cùng với ngành dệt may tại New England, liên tục đóng cửa nhà máy và thua lỗ. Tuy nhiên, vì bực tức với Stanton, Buffett đã bỏ qua những triển vọng u ám của công ty và tiếp tục mua gom cổ phiếu. Đến tháng 5/1965, ông kiểm soát hoàn toàn Berkshire Hathaway, một quyết định mà ông vẫn còn hối tiếc, dù nhờ đó tên ông lần đầu xuất hiện trên The Wall Street Journal.

“Qua hành động trẻ con của Seabury và tôi – cuối cùng thì 1/8 điểm có ý nghĩa gì với ai trong chúng tôi? – ông ấy mất việc, còn tôi thì đem hơn 25% vốn của Buffett Partnership đầu tư vào một doanh nghiệp tệ hại mà tôi chẳng biết gì mấy”, Buffett viết. “Tôi trở thành con chó bắt được ô tô, nhưng khi bắt được lại không biết làm gì tiếp theo”.

Buffett duy trì mảng dệt may nhiều năm sau đó. “Nhưng sự cứng đầu hay là ngu ngốc? cũng có giới hạn”, ông viết. “Năm 1985, tôi cuối cùng phải bỏ cuộc và đóng cửa mảng này”.

Quốc An (Theo WSJ)

FILI - 19:00:00 06/05/2025