Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lao dốc 21% nhưng bùng nổ tại châu Á và châu Âu
Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng mạnh dự báo trong tháng 4 bất chấp cuộc chiến thuế quan với Mỹ.
Theo dữ liệu mới nhất từ cơ quan hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 09/05, xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh 21% trong tháng 4, nhưng lại tăng vọt ở các khu vực khác. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này vẫn tăng 8.1% - vượt xa dự báo của các nhà kinh tế.
Đây là dữ liệu chính thức đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế hơn 100% lên hàng hóa Trung Quốc trong tháng 4. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng những con số này mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", và tác động thực sự của các mức thuế cấm đoán sẽ ngày càng rõ nét trong những tháng tới.
Theo giới phân tích, nếu các mức thuế không giảm xuống, thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cuối cùng sẽ sụp đổ sau khi đạt gần 690 tỷ USD vào năm ngoái. Điều này không chỉ tàn phá các ngành công nghiệp ở cả hai nước mà còn đẩy giá cả lên cao cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cuộc chiến thuế quan đã nhanh chóng leo thang theo kiểu "ăn miếng trả miếng". Đáp lại động thái của Mỹ, Trung Quốc cũng đã áp thuế 125% lên hàng hóa Mỹ, khiến kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ vào tháng 4 giảm gần 14%.
Xuất khẩu của Trung Quốc |
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng tìm tới các thị trường khác để bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu sang Mỹ.
Xuất khẩu đến Ấn Độ và 10 quốc gia Đông Nam Á trong nhóm ASEAN đã tăng vọt hơn 20%, trong khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 8%.
Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, nhập khẩu vào Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Đây là tháng thứ hai liên tiếp nhập khẩu suy yếu, với mức giảm 0.2%. Vì vậy, Trung Quốc thặng dư thương mại tới 96 tỷ USD trong tháng 4/2025.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị gặp vào cuối tuần này để trao đổi về thương mại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ, đã gọi các mức thuế hiện tại là "không bền vững", gợi ý khả năng hai bên có thể đạt được thỏa thuận giảm thuế.
"Các cuộc đàm phán thương mại sắp tới có thể mở ra con đường giảm căng thẳng. Nhưng điều đó còn lâu mới chắc chắn. Và nếu không có sự giảm nhẹ thuế quan, áp lực lên tăng trưởng sẽ gia tăng”, các chuyên gia kinh tế từ Bloomberg Economics nhận định.
Trong ngày 08/05, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, chính quyền Trump đang cân nhắc giảm thuế quan để hạ nhiệt căng thẳng giữa đôi bên. Trong cuộc đàm phán cuối tuần này, phía Mỹ đặt mục tiêu giảm thuế xuống dưới 60% như một bước đầu tiên, với hy vọng Trung Quốc sẽ có động thái tương tự. Nếu cuộc đàm phán hai ngày diễn ra suôn sẻ, những cắt giảm này có thể được thực hiện ngay từ tuần tới.
Những thay đổi chính sách thương mại đột ngột của Mỹ trong thời gian qua đã tạo ra tình trạng hỗn loạn trên toàn cầu. Trong khi các quốc gia đang vội vã đàm phán để tránh các mức thuế mới, các doanh nghiệp đang chạy đua với thời gian để đưa hàng hóa vào Mỹ trước khi bị đánh thuế. Kết quả là thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng vọt lên mức kỷ lục vào tháng 3, và có thể tiếp tục tăng trong tháng 4.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)