Campuchia sẽ ra sao giữa "cơn bão" thuế quan của Trump?
Theo một phân tích rủi ro quốc gia được BMI, một công ty nghiên cứu thị trường thuộc sở hữu của Fitch Solutions, công bố gần đây, sự suy giảm trong hoạt động kinh tế của Mỹ sẽ gây áp lực lên tăng trưởng của Campuchia. Không những thế, quốc gia Đông Nam Á này còn dễ bị ảnh hưởng bởi khả năng áp thuế quan trả đũa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phân tích của BMI đồng thời điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Vương quốc. Hiện họ kỳ vọng nền kinh tế này sẽ tăng từ mức ước tính 5.7% trong năm 2024 lên 5.9% trong năm 2025, giảm so với mức 6.1% kỳ vọng trước đó và thấp hơn so với mức dự báo 6.3% của Chính phủ.
BMI nêu: "Chúng tôi dự báo hoạt động xuất khẩu hàng may mặc, đồ du lịch và giày dép (GTF) sẽ phần nào bị tác động do tình trạng suy giảm đang diễn ra trong lĩnh vực xây dựng”.
"Chúng tôi dự báo nền kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 7.1% trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019. Tuy nhiên, so với mức dự báo tăng trưởng 3.9% của chúng tôi đưa ra cho các thị trường mới nổi cho năm 2025, thì mức dự báo đối với Vương quốc vẫn sẽ vượt trội hơn”, BMI nêu thêm.
Phân tích của BMI đã chỉ ra rằng, vì là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Campuchia rất dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc bên ngoài.
"Sự khởi đầu của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Điều này một phần là do chính sách bảo hộ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu thị trường mới nổi như Campuchia, quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ rất lớn”.
Phân tích của BMI cho biết: “Mặc dù bản chất của sự thay đổi theo chủ nghĩa bảo hộ vẫn chưa rõ ràng, nhưng chúng tôi cho rằng bất kỳ chính sách thuế quan mới nào cũng sẽ tập trung vào hàng sản xuất và hàng công nghiệp. Điều này khiến Campuchia trở thành nền kinh tế thứ ba chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước thuế quan của Tổng thống Trump, sau Mexico và Việt Nam – những quốc gia đều có các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu lớn”.
![]() Hai biểu đồ cho thấy xuất khẩu sang Mỹ tính theo tỷ lệ phần trăm GDP (bên phải) và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. |
Bất chấp những trở ngại này, phân tích của BMI kỳ vọng xuất khẩu hàng may mặc, đồ du lịch và giày dép (GTF) của Vương quốc sẽ nổi lên như động lực tăng trưởng chính vào năm 2025.
"Thật vậy, sự dịch chuyển tạm thời sản xuất khỏi Bangladesh và Myanmar trong bối cảnh bất ổn xã hội và xung đột đang diễn ra đã mang lại lợi ích cho xuất khẩu của Campuchia”, BMI nêu.
"Đà tăng trưởng vững vàng trong xuất khẩu hàng may mặc được phản ánh trong việc gia tăng nhập khẩu vải. Theo đó, trong tháng 1/2025, nhập khẩu vải ghi nhận mức tăng 30.9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng xuất khẩu có thể sớm suy yếu."
Phân tích của BMI khẳng định thêm rằng sẽ rất khó khăn cho lĩnh vực tư nhân mở rộng nhanh chóng trong những tháng tới trong bối cảnh hoạt động kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc chậm lại. "Điều này đáng gây lo ngại cho Vương quốc vì Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này và các lô hàng đi của nước này có liên quan chặt chẽ đến nhập khẩu của Mỹ. Chúng tôi dự báo nhập khẩu của Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn vào năm 2025. Điều này cũng có nghĩa rằng khả năng rất cao sẽ loại bỏ một yếu tố thuận lợi mà đã thúc đẩy xuất khẩu của Campuchia trong năm 2024”.
Phân tích cũng nhấn mạnh sự yếu kém trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. BMI cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng tiêu dùng trong nước, chiếm 2/3 GDP, sẽ phục hồi chậm, chủ yếu là do sự yếu kém đang diễn ra trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản”.
"Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị của các dự án phát triển bất động sản được phê duyệt đã giảm 29.1% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3.3 tỷ USD, chủ yếu là do sự rút lui đầu tư vào nhà ở”.
"Mặt tích cực mà chúng tôi có thể nhận thấy đó là các khoản đầu tư theo hình thức hợp tác công tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn và các biện pháp thuế được công bố gần đây sẽ hỗ trợ một phần cho hoạt động xây dựng trong năm 2025."
Trước đó, chuyên gia kinh tế Darin Duch cho biết sức mạnh của ngành xuất khẩu Campuchia đã được thể hiện trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump thông qua hiệu suất mạnh mẽ trong ngành may mặc và giày dép.
Chuyên gia kinh tế Darin Duch cho biết: “Tôi lạc quan tin rằng mối quan hệ thương mại Mỹ - Campuchia vẫn có lợi cho cả hai bên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump. Các doanh nghiệp Mỹ được hưởng lợi từ các lựa chọn sản xuất giá cả phải chăng của Campuchia trong ngành may mặc, giày dép và đồ du lịch. Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng trong nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia của Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao và nông nghiệp, sẽ gia tăng”.
Khai Tâm (Theo Khmer Times)