Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: PSI có tiềm lực rất tốt nhưng bị bó buộc bởi chiếc áo quá chật
Chiều 25/04, CTCP Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội, dự kiến thông qua các nội dung trọng yếu như kế hoạch kinh doanh và định hướng chiến lược trung hạn.
Tại thời điểm 14h15 ngày 25/04/2025, có 9 cổ đông/người đại diện được uỷ quyền có mặt tham dự Đại hội, đại diện cho gần 33.4 triệu cổ phần, chiếm 55.8% số lượng cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty. Căn cứ Luật Doanh nghiệp, Điều lệ PSI, ĐHĐCĐ thường niên 2025 đủ điều kiện tiến hành.
![]() Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT PSI điều hành đại hội - Ảnh: Thế Mạnh |
Thảo luận:
Cần có thêm các đợt IPO, cổ phần hóa để bổ sung nguồn cung
Vì sao hoạt động IPO và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua gần như bị đóng băng? Những vướng mắc cụ thể là gì?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Trong báo cáo gửi quý cổ đông, tôi cũng đã nêu rất rõ: thời gian qua, hoạt động IPO gần như bị đóng băng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc về cơ chế, chính sách và sự chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để làm cơ sở cổ phần hóa đang gặp khó khăn, đặc biệt là với vấn đề đất đai. Doanh nghiệp nào có tài sản là trụ sở, văn phòng... thì việc định giá càng phức tạp. Thêm vào đó, các đầu mối quản lý hiện cũng đang được sắp xếp lại, nên càng ảnh hưởng đến tiến độ.
Những tồn tại về pháp lý, chính sách như vậy là nguyên nhân chính khiến hoạt động IPO, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, bị ngưng trệ trong suốt thời gian qua.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng hoạt động IPO trong thời gian tới? Các yếu tố nào có thể tạo ra sự thay đổi?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Tôi không phải là cơ quan quản lý, nhưng với vai trò là đơn vị hoạt động trực tiếp trên thị trường, chúng tôi có thể nhận định rằng: Để khơi thông thị trường, chắc chắn phải có những cơ chế mới, chính sách mới để tháo gỡ các nút thắt hiện nay.
Một trong những nội dung được đề cập gần đây là việc triển khai hệ thống KRX - một nền tảng công nghệ mới nhằm tăng quy mô và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, nếu muốn nâng hạng thị trường, chúng ta bắt buộc phải có thêm "hàng mới" - tức là cần có thêm các đợt IPO, cổ phần hóa để bổ sung nguồn cung.
Chúng tôi từng đưa ra dự báo rằng nếu Việt Nam nâng hạng thành công, thị trường có thể thu hút thêm khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng để "đi chợ" thì phải có hàng. Nghĩa là phải có thêm hàng hóa chất lượng, minh bạch, để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn.
Do đó, tôi tin rằng trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ có những chính sách quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy hoạt động IPO và cổ phần hóa, cả ở doanh nghiệp Nhà nước lẫn khu vực tư nhân. Ngay cả một số doanh nghiệp FDI hiện cũng đang tính tới việc niêm yết lại tại Việt Nam - đây là những tín hiệu tích cực.
PSI nhìn nhận như thế nào về vai trò của việc tăng nguồn cung cổ phiếu (hàng hóa mới) đối với thị trường chứng khoán?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng muốn phát triển thị trường chứng khoán một cách bền vững thì phải đảm bảo được nguồn cung. Không chỉ là các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn, mà cả doanh nghiệp tư nhân, FDI… cũng cần có động lực để tham gia.
Tăng nguồn cung không chỉ giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn, mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường - vốn là mục tiêu quan trọng của chúng ta hiện nay. Cơ hội thu hút dòng vốn lớn sẽ không thể hiện thực nếu thị trường thiếu đi "hàng hóa" đủ tiêu chuẩn.
Do đó, với vai trò là đơn vị tư vấn, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng đồng hành, từ hỗ trợ chuẩn hóa cấu trúc doanh nghiệp, đến xây dựng lộ trình IPO phù hợp, nhằm giúp các đơn vị đủ điều kiện niêm yết trong thời gian tới.
Trong năm vừa qua, PSI đã ký kết 4 hợp đồng tư vấn thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc PVN. PSI có thể chia sẻ cụ thể hơn về tiến độ triển khai và cách thức công ty tham gia vào các thương vụ này?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Như đã nêu trong các báo cáo định hướng, hiện nay PSI đang hoạt động trong vai trò là công ty chứng khoán thuộc Tập đoàn Dầu khí, và điều đó mang lại cho chúng tôi cả cơ hội lẫn thách thức rất lớn.
Năm vừa qua, công ty đã tham gia đấu thầu và trúng thầu 4 hợp đồng tư vấn thoái vốn Nhà nước tại 4 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng. Việc trúng các gói thầu này không chỉ nhờ vào sự ủng hộ của các đơn vị chủ quản mà còn là kết quả từ năng lực chuyên môn, sự cạnh tranh công khai và minh bạch của chúng tôi.
Đến thời điểm hiện tại, cả ba yêu cầu then chốt gồm: pháp lý, tiến độ và chuyên môn - đều đang được PSI đáp ứng đầy đủ. Về tiến độ cụ thể của từng thương vụ, sau khi có các phê duyệt chính thức từ cơ quan chủ sở hữu là Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng, chúng tôi sẽ công khai thông tin và cập nhật tới các nhà đầu tư có quan tâm.
Trong bối cảnh hoạt động IPO và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước những năm gần đây khá trầm lắng, PSI đánh giá thế nào về khả năng thành công của các đợt thoái vốn sắp tới, và liệu tình hình thị trường hiện tại có ảnh hưởng đến hoạt động tư vấn của công ty hay không?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng mặc dù bối cảnh chung của hoạt động IPO và thoái vốn Nhà nước vài năm gần đây tương đối trầm lắng, và thậm chí có thương vụ như IPO Becamex buộc phải hoãn lại, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy tiềm năng rất lớn ở mảng này, đặc biệt trong nội bộ ngành năng lượng và dầu khí.
PSI hiện đang làm chủ khá tốt các nghiệp vụ tư vấn trong ngành, từ đấu thầu tư vấn thoái vốn đến các dịch vụ tài chính chuyên biệt. Với kinh nghiệm tích lũy, chúng tôi tự tin có thể tiếp tục đồng hành và cung cấp giải pháp hiệu quả cho các đơn vị thuộc tập đoàn cũng như ngoài tập đoàn trong thời gian tới.
Trước chủ trương phát triển hai trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, PSI có định hướng hay kế hoạch gì để chuẩn bị tham gia vào sân chơi này?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Liên quan đến chủ trương phát triển hai trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, chúng tôi xem đây là một sân chơi rất lớn, đồng thời là một cơ hội quan trọng. Với vai trò là công ty chứng khoán thành viên Tập đoàn Dầu khí, PSI sẽ từng bước nghiên cứu, xây dựng chiến lược phù hợp để có thể tham gia hiệu quả vào các hoạt động tại các trung tâm tài chính này trong tương lai.
Chúng tôi xác định rõ rằng, để hội nhập vào các thị trường tài chính tầm cỡ quốc tế, công ty sẽ cần tiếp tục đầu tư mạnh vào năng lực đội ngũ, hệ thống công nghệ, và các sản phẩm tài chính mới. Những bước chuẩn bị đó hiện đang được từng bước triển khai.
Mảng ngân hàng đầu tư (IB) chiếm 30-35% doanh thu
Dư nợ margin của PSI đến cuối tháng 3 là khoảng 1,400 tỷ đồng. Vậy Công ty có kế hoạch nới thêm hạn mức cho vay margin trong năm nay không?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Hiện tại, quy mô dư nợ của PSI đang ở mức khoảng 1,400 tỷ đồng, đây là con số tiệm cận trần theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cụ thể, theo quy định hiện hành, tổng dư nợ hoạt động của công ty chứng khoán không được vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu.
Vốn điều lệ hiện nay của PSI là 600 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu thực tế của chúng tôi đã vượt hơn 700 tỷ đồng nhờ vào phần lợi nhuận giữ lại trong vài năm gần đây. Do đó, mức dư nợ 1,400 tỷ đồng là hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng cũng cho thấy chúng tôi đang bị giới hạn bởi trần vốn hiện tại.
Việc bị khống chế bởi quy mô vốn rõ ràng đang ảnh hưởng đến khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh của chúng tôi. PSI hiện có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển, nhất là trong các mảng dịch vụ, nhưng bị cản trở bởi giới hạn vốn điều lệ. Đây là lý do khiến chúng tôi phải tính đến phương án tăng vốn điều lệ trong thời gian tới - nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng và phát triển thêm nhiều hoạt động kinh doanh mới.
Chúng tôi định hướng phát triển PSI theo mô hình ngân hàng đầu tư (Investment Bank), chứ không chỉ đơn thuần là một công ty chứng khoán truyền thống. Hiện tại, bên cạnh mảng dịch vụ cốt lõi là môi giới và tư vấn chứng khoán, chúng tôi cũng đang phát triển rất mạnh mảng kinh doanh nguồn vốn và đầu tư.
Thực tế, hoạt động này hiện chiếm khoảng 30-35% tổng doanh thu của công ty. Đây là một trong những trụ cột quan trọng, đóng góp lớn cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Việc phát triển đồng đều cả hai mảng - môi giới và nguồn vốn - giúp PSI vận hành hiệu quả hơn và có thể nói là "đi bằng hai chân".
Ban lãnh đạo PSI từng chia sẻ thách thức lớn nhất là quản lý nợ phải thu. Vậy con số nợ phải thu hiện nay là bao nhiêu, và Công ty có kế hoạch khắc phục vấn đề này ra sao trong năm 2025?
Bà Phan Quỳnh Nga - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PSI: Trên BCTC gần nhất của PSI, khoản phải thu lớn nhất hiện nay là khoản liên quan đến đầu tư trái phiếu của Novaland. Trong năm 2024, tổ chức phát hành là Novaland cũng đã thực hiện chi trả một phần, nên khoản phải thu từ khoản này đã giảm từ 66.2 tỷ đồng xuống còn 64.7 tỷ đồng.
Với vai trò là đại diện sở hữu trái chủ, PSI sẽ tiếp tục cùng các cổ đông khác làm việc với tổ chức phát hành để thúc đẩy tiến độ thanh toán cả gốc và lãi cho các trái chủ. Chúng tôi đang chủ động trong việc tìm kiếm phương án tối ưu nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn bổ sung thêm: Tôi cũng xin cung cấp thêm một thông tin quan trọng là khoản phải thu này hiện có tài sản đảm bảo, và giá trị tài sản đảm bảo mà công ty đang nắm giữ cao gấp hơn ba lần nghĩa vụ phải thu. Đây là điểm rất quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, bởi tài sản đảm bảo vượt trội sẽ giúp chúng tôi chủ động hơn trong việc xử lý nếu có phát sinh rủi ro trong quá trình thu hồi công nợ.
PSI có tiềm lực rất tốt, nhưng lại đang bị bó buộc bởi chiếc áo quá chật
Vì sao PSI chưa tiến hành tăng vốn dù đã xác định đây là nhu cầu cấp thiết?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin phép báo cáo với Đại hội, việc tăng vốn là một trong những yêu cầu rất cấp thiết hiện nay đối với PSI. Trong tất cả các báo cáo từ phía Ban điều hành đến Hội đồng quản trị, chúng tôi đều đã xác định rõ: để PSI có thể nâng cao năng lực tài chính, phát triển các hoạt động kinh doanh và mở rộng thị phần, thì tăng vốn là điều tất yếu.
Tôi thường hình dung PSI hiện nay giống như một thanh niên khỏe mạnh, có tiềm lực rất tốt, nhưng lại đang bị bó buộc bởi một chiếc áo quá chật - đó chính là quy mô vốn điều lệ hiện tại. Hiện nay, vốn điều lệ của PSI mới chỉ ở mức 600 tỷ đồng, điều này khiến chúng tôi gặp nhiều hạn chế trong việc triển khai các kế hoạch dài hơi.
Chúng tôi có nhiều lợi thế để phát triển, trong đó nổi bật là 3 trụ cột:
Thứ nhất, chúng tôi có cổ đông lớn là Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Việt Nam - tiền thân là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đây là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước, với doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Thứ hai, PSI có ngân hàng mẹ là PVcomBank – với hệ thống gần 130 điểm giao dịch trải dài 63 tỉnh thành, cùng tệp khách hàng khoảng 5 triệu người. Đây là một lợi thế rất lớn để chúng tôi có thể phát triển mạng lưới và cung cấp dịch vụ tài chính chứng khoán tích hợp.
Thứ ba, chúng tôi có quan hệ đối tác bền chặt với nhóm cổ đông, nhà đầu tư Nhật Bản - những nhà đầu tư có tiềm lực, chuyên nghiệp và sẵn sàng đồng hành lâu dài.
Chúng tôi đánh giá, với ba trụ cột này, PSI có cơ hội phát triển rất lớn trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán.
Tuy nhiên, việc tăng vốn hiện đang gặp một số vướng mắc do đặc thù mô hình sở hữu và quản lý. PSI hiện là công ty con của ngân hàng PVcomBank (nắm 52% vốn), trong khi PVcomBank lại thuộc sở hữu chi phối (51%) của Tập đoàn Dầu khí. Như vậy, về mô hình quản lý, PSI phải chịu sự điều phối từ: Ngân hàng mẹ (PVcomBank), Ngân hàng Nhà nước (do PSI trực thuộc tổ chức tín dụng), Tập đoàn Dầu khí và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
Với 4 cấp quản lý như vậy, thủ tục để thực hiện tăng vốn là rất phức tạp. Không phải chúng tôi không có nhà đầu tư quan tâm - thực tế, rất nhiều cổ đông trong và ngoài nước đã bày tỏ mong muốn tham gia các đợt tăng vốn. Nhưng để hiện thực hóa, chúng tôi cần tháo gỡ được các cơ chế, thủ tục liên quan đến quản trị và quyền phê duyệt ở các cấp này.
Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, với việc tái cấu trúc mô hình sở hữu, cũng như điều chỉnh chính sách quản lý giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, PSI sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để triển khai phương án tăng vốn. Khi đó, chúng tôi sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh, khai thác hiệu quả hơn hệ sinh thái khách hàng và hạ tầng sẵn có.
PSI đánh giá thế nào về tác động của hệ thống KRX lên thị trường? Trong quá trình thử nghiệm vừa qua, PSI có gặp vướng mắc gì không?
Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết, tôi xin khẳng định, việc triển khai hệ thống KRX là một chủ trương rất lâu của Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý, nhằm hiện đại hóa hạ tầng thị trường, đáp ứng xu thế phát triển.
Giai đoạn trước đây, số lượng nhà đầu tư chỉ ở mức hàng trăm ngàn, nhưng hiện nay đã tiến gần mốc 10 triệu tài khoản giao dịch trên toàn hệ thống. Nếu ví trước đây chúng ta vận hành trên một "con đường cấp xã", thì giờ đây khi khối lượng giao dịch tăng mạnh, chúng ta cần một "cao tốc" - tức một hệ thống vận hành mới có năng lực xử lý lớn hơn, linh hoạt và hiện đại hơn.
Về phía PSI, chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều năm nay. Thứ nhất là nâng cấp hạ tầng vật lý - bao gồm hệ thống máy chủ, mở rộng dung lượng, bổ sung các cấu phần kỹ thuật.
Thứ hai là nâng cấp đường truyền để đảm bảo tốc độ và dung lượng theo yêu cầu kỹ thuật mới.
Thứ ba là phối hợp cùng đơn vị tư vấn để xây dựng các kịch bản vận hành, giải pháp kỹ thuật và đặc biệt là đảm bảo yếu tố an toàn, an ninh thông tin.
Tính đến thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn trong tâm thế sẵn sàng. Các bước chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất và đáp ứng yêu cầu từ cơ quan quản lý. PSI cũng đã xây dựng các phương án dự phòng để xử lý những sự cố có thể phát sinh trong quá trình vận hành chính thức. Nếu đúng theo kế hoạch, hệ thống KRX sẽ chính thức đi vào vận hành từ ngày 05/05 tới. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, không chỉ với PSI mà còn với toàn thị trường, tạo đà để năm 2025 trở thành một năm tích cực của ngành chứng khoán.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Trước đại hội
Tiếp tục không chia cổ tức, mục tiêu lợi nhuận 2025 tăng 15%
Năm 2024, PSI ghi nhận doanh thu hơn 347 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 26 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và vượt 23% kế hoạch năm. Tuy vậy, Công ty tiếp tục đề xuất không chia cổ tức, duy trì chính sách không chia cổ tức suốt từ năm 2011 đến nay.
Sang năm 2025, PSI đặt mục tiêu doanh thu hơn 383 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện 2024. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 30 tỷ đồng, tăng 15%. Trong đó, hoạt động dịch vụ chứng khoán tiếp tục giữ vai trò trụ cột, dự kiến đem về 214 tỷ đồng, chiếm 56% tổng doanh thu. Doanh thu từ hoạt động đầu tư và nguồn vốn dự kiến đạt 143 tỷ đồng, tăng mạnh 32% và chiếm gần 37%. Các mảng còn lại như tư vấn tài chính, nghiên cứu, phân tích đóng góp tỷ trọng nhỏ.
Kết quả quý 1/2025 cho thấy doanh thu hoạt động đạt 95.3 tỷ đồng, tăng 3% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.3 tỷ đồng, giảm 20%, chủ yếu do chi phí tăng gần 7% so với cùng kỳ, bao gồm lỗ từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL), chi phí nghiệp vụ môi giới, tư vấn và lãi vay. Sau quý đầu năm, Công ty đã thực hiện được 25% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chờ đợi thị trường nâng hạng, đặt kỳ vọng VN-Index lên 1,450 điểm
Lãnh đạo PSI nhận định nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán trong năm 2025. Triển vọng nâng hạng thị trường cũng là động lực chính. FTSE Russell được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. MSCI có thể thực hiện đánh giá tương tự vào năm 2026. Theo World Bank, sau khi nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút tới 25 tỷ USD dòng vốn quốc tế vào năm 2030.
PSI đánh giá mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 13 lần, thấp hơn trung bình quá khứ. Công ty dự báo VN-Index có thể vượt mốc 1,300 điểm và tiến sát 1,450 điểm trong năm 2025, với tăng trưởng thu nhập (EPS) kỳ vọng đạt 13%.
Chiến lược 2025 của PSI hướng đến phát triển toàn diện, bền vững. Trong đó, công ty đặt mục tiêu nâng quy mô vốn đầu vào bình quân lên 1,300 tỷ đồng, đưa tỷ trọng doanh thu từ hoạt động đầu tư - nguồn vốn lên mức 30-35% tổng doanh thu, đồng thời đẩy mạnh dịch vụ công nghệ số và phát triển mạng lưới khách hàng.
Để thực hiện mục tiêu, PSI đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục hỗ trợ định hướng chiến lược, đồng thời đề xuất Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) - ngân hàng mẹ sở hữu hơn 51% vốn PSI - hỗ trợ phát triển khách hàng dựa trên tệp sẵn có. Kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng được trình cổ đông tại ĐHĐCĐ để thúc đẩy quy mô hoạt động.
Bài cập nhật
Thế Mạnh