Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: "Cứ để thời gian và hành trình dẫn lối"

date
24/04/2025 11:35

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: "Cứ để thời gian và hành trình dẫn lối"

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) diễn ra vào sáng 24/04 tại Hà Nội, thông qua nhiều nội dung quan trọng gồm chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh, mở rộng ngành nghề hoạt động và phương án phân phối lợi nhuận.

​Báo cáo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông tham dự Đại hội đến thời điểm 9h ngày 24/04/2025, tổng số cổ đông trực tiếp tham dự và thông qua người được uỷ quyền hợp lệ tham dự Đại hội là 149 cổ đông, đại diện cho 2.92 tỷ cổ phần, chiếm 76.4% tổng số phiếu biểu quyết của Tập đoàn, đủ điều kiện tiến hành theo quy định.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup điều hành đại hội

Thảo luận:

Công nghiệp quan trọng nhưng không phải tất cả

Trong năm 2017, Tập đoàn từng công bố chiến lược chuyển đổi từ lĩnh vực bất động sản, dịch vụ sang công nghiệp. Vậy trong vòng 30 năm tới, liệu Vingroup có chuyển đổi hoàn toàn sang hướng công nghiệp hay không?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Tôi xin làm rõ, Vingroup không chuyển đổi hoàn toàn sang công nghiệp. Ngay từ năm 2017, chúng tôi đã xác định rõ chiến lược phát triển dựa trên năm trụ cột chính chứ không phải một. Năm trụ cột đó gồm: công nghệ - công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thiện nguyện - xã hội, hạ tầng và năng lượng. Trong đó, công nghiệp là một phần quan trọng, nhưng không phải là tất cả.

Về năng lượng, chúng tôi đang triển khai dự án nhà máy điện có công suất 4.8 GW, không phải vì lý tưởng "năng lượng xanh" đơn thuần, mà xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của miền Bắc về điện. Nhà máy này tuy chưa hẳn là "xanh" đúng nghĩa, nhưng chắc chắn ít ô nhiễm hơn rất nhiều so với các giải pháp truyền thống. Đây cũng là một bước đi chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng.

Tôi tin rằng tỷ trọng mảng công nghiệp trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn sẽ tăng rất nhanh và rất đáng kể trong thời gian tới, nhưng vẫn là một phần trong tổng thể năm trụ cột chiến lược.

Năm 2018, Chủ tịch từng đặt mục tiêu sản xuất và bán 500,000 xe VinFast mỗi năm. Vậy đến khi nào thì Vingroup sẽ đạt được cột mốc quan trọng này?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Đó là mục tiêu đã được xác lập và toàn bộ đội ngũ đang tập trung tối đa để hiện thực hóa nó.

Tôi rất vui khi nghe chia sẻ của bạn - một người đã sử dụng xe VinFast từ năm 2019 đến nay và cảm nhận rõ sự chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ. Đó cũng là minh chứng cho những gì chúng tôi đang cố gắng từng ngày. Với quyết tâm của toàn tập thể, tôi tin chúng ta sẽ sớm chạm tới cột mốc đó.

Vinhomes Ocean Park 1 là một khu đô thị rất đáng sống. Nếu nhân mô hình này lên gấp 10 hoặc 20 lần, liệu chúng ta có thể tạo ra những khu đô thị quy mô hàng triệu dân không? Và nếu nhân rộng mô hình như vậy toàn quốc, chúng ta có thể quy hoạch lại để xây dựng đủ nhà ở cho toàn bộ dân số Việt Nam không?

Vingroup có thể quy hoạch đồng bộ các khu đô thị tập trung và khu công nghiệp tập trung, kết nối bằng hệ thống đường sắt cao tốc để tạo nên một mạng lưới vận hành hiệu quả và bền vững không?

Với tầm nhìn dài hạn, liệu Vingroup có hướng tới phát triển mạng lưới giao thông hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo để tiến tới mục tiêu net zero vào năm 2050 không?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Cảm ơn anh, những ý tưởng rất hay. Việc xây dựng các trung tâm mới - quy hoạch bài bản, đầy đủ tiện ích, kết nối tốt - là điều mà chúng tôi đang hướng tới. Những dự án hiện tại của Vingroup đều hướng đến quy mô hàng nghìn hecta. Những dự án nhỏ, ở gần trung tâm thì chúng tôi nhường lại cho các doanh nghiệp mới - sẽ thuận tiện hơn cho họ.

Chúng tôi đi xa hơn, tìm cách kết nối tốt hơn. Đó cũng là chiến lược phát triển bất động sản của Vingroup. Các khu đô thị lớn không chỉ có nhà ở mà còn tích hợp cả hệ sinh thái: vận tải (xe buýt điện, taxi điện), hệ thống quản trị thông minh, tiện ích sống khác biệt. Mục tiêu là nâng tầm đẳng cấp sống, tạo ra tiêu chuẩn mới - điều mà cách đây 20 năm chưa ai làm. Bây giờ, bất kỳ doanh nghiệp nào làm bất động sản cũng phải tích hợp tiện ích, vì đó là xu thế.

Dù không thể làm được 50 khu đô thị như anh nói, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm một vài khu chất lượng, quy mô lớn, đóng vai trò tiên phong. Hy vọng rằng Vingroup sẽ góp phần định hình lại bộ mặt đô thị Việt Nam trong tương lai.

Vì sao thoái vốn khỏi công ty công nghệ?

Vừa qua Tập đoàn đã thoái vốn khỏi công ty công nghệ chuyên về trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng AI đang phát triển rất mạnh, tôi cảm thấy tiếc nuối khi Vingroup không tiếp tục đầu tư và phát triển lĩnh vực này, nhất là khi đầu tư vào công nghệ AI thường không quá tốn kém như sản xuất công nghiệp nặng nhưng lại có tác động xã hội rất lớn. Xin hỏi lý do vì sao Tập đoàn lại quyết định bán, thay vì giữ lại và phát triển công ty này?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Tôi cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn. Việc chúng tôi bán công ty đó cho Nvidia và Qualcomm không phải là vì cần tiền, bởi vài trăm triệu đô không phải điều mà Vingroup đặc biệt quan tâm. Lý do chính là vì trong các điều kiện khi chuyển nhượng, chúng tôi đã ràng buộc đối tác phải đầu tư, mở rộng nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Họ buộc phải lập trung tâm R&D ở đây, phải tuyển dụng và sử dụng người Việt. Điều đó sẽ tạo nền tảng công nghệ lâu dài cho đất nước, không chỉ cho Vingroup.

Thứ hai, triết lý của chúng tôi không phải là nắm giữ tài sản cho riêng mình. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những hạt giống tốt để phát triển, và khi đến một giai đoạn đủ trưởng thành, thì sẵn sàng chuyển giao cho các đối tác lớn để tiếp tục lan tỏa giá trị. Sau đó, chúng tôi có thể dùng nguồn lực thu về để tiếp tục đầu tư vào hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp mới, mang tính nền tảng hơn nữa.

Chúng tôi đã lập một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 150 triệu USD để đầu tư vào các startup công nghệ. Ai trình được ý tưởng tốt, có tiềm năng, là chúng tôi sẵn sàng cấp vốn. Việc họ thành công hay thất bại không quan trọng bằng việc họ dám làm và đất nước có được một môi trường đổi mới sáng tạo thực sự.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp mà được "phá sản ba lần", thì sẽ khôn lớn hơn rất nhiều. Đó là một cách học trên thực tế tốt hơn bất kỳ trường lớp nào. Cứ ai chưa thành công lần đầu thì có thể tiếp tục đứng lên, chiến đấu, và thành công sau đó sẽ bền vững hơn. Nếu ngay từ đầu mà được gọi là “kỳ lân”, rồi kỳ lân đó biến mất thì cuối cùng sẽ không còn gì cả.

Vậy nên, chiến lược của chúng tôi là như thế: Một mặt, thúc đẩy các nền tảng công nghệ lớn cho đất nước. Mặt khác, tạo thật nhiều cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Chúng tôi sẽ tiếp tục bán các công ty nếu thấy có đối tác đủ năng lực phát triển mạnh hơn, mang lại giá trị chung lớn hơn. Còn với những gì Vingroup thực sự cần, chúng tôi vẫn có thể đặt hàng đối tác phát triển riêng theo yêu cầu. Khi đó, sản phẩm không chỉ Vin dùng được, mà toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam đều có thể cùng hưởng lợi. Đó mới là điều quan trọng nhất.

"Cứ để thời gian và hành trình dẫn lối"

Là một cổ đông nhỏ lẻ nhưng trung thành, tôi đầu tư mã cổ phiếu VIC như một tài sản tích sản dài hạn. Xin hỏi Chủ tịch, đây có phải là tư duy đúng đắn? Và Tập đoàn có chiến lược gì để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư dài hạn như chúng tôi?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Tôi nghĩ bạn chọn VIC thay vì vàng là… chưa đúng lắm đâu đấy. Nhưng đùa vậy thôi, tôi rất trân trọng tầm nhìn dài hạn và niềm tin của các cổ đông như bạn. Với sự nỗ lực ngày đêm, làm việc quyết liệt, sáng tạo của cả một tập thể lớn như Vingroup, tôi tin rằng giá trị sẽ từng bước được tạo ra và đẳng cấp sẽ từng bước được công nhận. Tuy nhiên, thị trường cũng như một con tàu ra khơi - lúc nào cũng có thể gặp sóng gió. Nếu cứ thấy khó khăn là vội vàng nhảy xuống thì rất dễ bị cuốn trôi. Chúng tôi tin rằng, cổ đông trung thành, kiên định dài hạn chắc chắn sẽ gặt hái được thành quả như kỳ vọng.

Với tầm ảnh hưởng của mình, Chủ tịch có nghĩ đến việc để lại một triết lý, một hệ thống tư tưởng rõ ràng qua sách vở để thế hệ sau có thể học hỏi như một di sản tinh thần không?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Tôi rất đồng tình với đề xuất này. Việc ghi lại các tư liệu, bài học kinh nghiệm, hành trình phát triển hay triết lý kinh doanh là điều chúng tôi cũng đang cân nhắc và sẽ cố gắng thực hiện. Biết đâu đó lại trở thành một nguồn cảm hứng cho ai đó. Còn riêng phần "để lại một câu nói hay một triết lý" thì… tôi xin phép là "trước khi ra đi" tôi sẽ để lại sau nhé. Bây giờ tôi vẫn còn ở đây, nên chưa thể nói là mình để lại điều gì. Cứ để thời gian và hành trình dẫn lối.

Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về trách nhiệm xã hội của Vingroup với người khuyết tật và cộng đồng khó khăn không ạ?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Việc này thì chúng tôi đã làm từ rất lâu rồi. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã thành lập Quỹ Thiện Tâm, với mục tiêu đi tìm mọi cơ hội để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt là người khuyết tật, người bệnh tật. Chúng tôi làm điều đó một cách nghiêm túc, tận tâm. Các sản phẩm, dịch vụ của Vingroup đều được thiết kế để tiếp cận dễ dàng với người khuyết tật. Ví dụ như tại các khu chung cư của chúng tôi, luôn có hệ thống kết nối để người khuyết tật có thể dễ dàng di chuyển lên xuống. Trên xe buýt điện cũng có thiết kế hỗ trợ riêng cho người khuyết tật. Các dịch vụ khác cũng đều được tính toán theo hướng tạo điều kiện tối đa cho mọi người.

Bên cạnh đó, những hoạt động từ thiện, nhân đạo mà Quỹ Thiện Tâm thực hiện suốt nhiều năm qua là rất cụ thể và thực chất. Chúng tôi làm từ thiện với tinh thần làm thật, làm đến nơi đến chốn. Không có chuyện xin tiền tỉnh này, hỗ trợ địa phương kia rồi tổ chức phong trào rầm rộ để đánh bóng hình ảnh. Chúng tôi tự bỏ tiền, tự triển khai, làm đúng người, đúng việc, đến tận nơi và theo đúng tinh thần "giúp người từ cái tâm chứ không phải để làm thương hiệu". Chúng tôi không làm từ thiện để được ca ngợi, mà đơn giản là vì chúng tôi nghĩ đó là điều cần làm.

Không chỉ đạt mục tiêu kinh doanh mà còn phải vượt kế hoạch

Kế hoạch năm 2025 của Tập đoàn rất lớn, gần gấp đôi năm trước về cả doanh thu và lợi nhuận. Liệu mục tiêu này có khả thi hay không, và Tập đoàn sẽ thực hiện bằng những biện pháp cụ thể nào để đạt được?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Trước hết, tôi xin cảm ơn câu hỏi thể hiện sự quan tâm rất sát sao của cổ đông. Kế hoạch năm 2025 đúng là rất cao, doanh thu dự kiến khoảng 300,000 tỷ đồng và lợi nhuận tầm 10,000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước.

Chúng tôi hiểu rằng đây là một mục tiêu không hề đơn giản, nhưng quyết tâm là rất lớn. Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu đạt được mà còn là vượt qua kế hoạch. Cơ sở của sự tự tin này đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, thị trường bất động sản đang hồi phục rất rõ nét. Doanh thu từ bất động sản vì thế sẽ tăng mạnh.

Thứ hai là VinFast. Với kế hoạch bán ra 200,000 xe trong năm 2025, doanh số chắc chắn sẽ tạo ra một mức tăng trưởng rất khác biệt so với các năm trước.

Ngoài ra, nếu cổ đông đã xem trong báo cáo kế hoạch mà chúng tôi gửi, sẽ thấy tất cả đều có cơ sở chi tiết, bài bản. Biện pháp lớn nhất mà chúng tôi xác định là làm việc ngày đêm, sáng tạo, quyết liệt, tìm mọi cách để đẩy được mọi thứ đi lên. Không được thì đẩy xuôi, xuôi không được thì đẩy ngược - đó chính là tinh thần của Vingroup, là sự khác biệt lớn của chúng tôi so với các doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng.

Với siêu dự án ở Cần Giờ và tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối về TPHCM, tổng mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD. Tập đoàn sẽ huy động vốn thế nào, có trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước không, và bao giờ thì có thể thu hồi vốn, bắt đầu có lãi?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Dự án Cần Giờ đúng là rất lớn, không phải chỉ 10 tỷ USD mà thực tế sẽ còn cao hơn rất nhiều do chi phí đầu tư khổng lồ. Tuyến đường sắt tốc độ cao cũng tương tự, có thể cần 3-4 tỷ USD.

Chúng tôi luôn tính toán kỹ lưỡng về vốn tự có và vốn vay. Ví dụ, nếu đầu tư 3 tỷ USD, thì vốn chủ sở hữu cần là khoảng 450 triệu USD - con số này vẫn trong tầm kiểm soát của Tập đoàn.

Chúng tôi có nguyên tắc là luôn tìm đối tác đầu tư chiến lược để chia sẻ rủi ro và tối ưu nguồn lực. Với các dự án lớn, bao giờ chúng tôi cũng bán buôn trước - tức là mở bán sớm cho các nhà đầu tư đầu tiên. Người mua có thể lời lớn, có thể không, nhưng họ có cơ hội. Nhật Bản, Singapore và đặc biệt là Việt Nam đều đang thể hiện sự quan tâm.

Quan điểm của tôi là an toàn là trên hết. Chúng tôi kiên trì, bền bỉ và quản trị rủi ro cực kỳ chặt chẽ. Có thể bán trước với giá thấp để cân đối dòng tiền ngay từ đầu - miễn là Tập đoàn sống được, tồn tại được, từ đó mới nắm bắt và phát triển được cơ hội. Không nên ôm giữ tất cả rồi lại không kịp xoay chuyển khi tình hình thay đổi.

3 yếu tố để xe VinFast cạnh tranh các hãng khác

Chủ tịch vừa chia sẻ rằng về lâu dài, VinFast sẽ hướng đến thị trường nước ngoài là chủ lực. Vậy lợi thế cạnh tranh cốt lõi của VinFast so với các hãng xe khác, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Trung Quốc, là gì? Ở Việt Nam, VinFast có lợi thế về trạm sạc, nhưng các hãng Trung Quốc lại đang triển khai các dòng xe kết hợp giữa thuần điện và hybrid để giảm sự phụ thuộc vào hạ tầng sạc. Vậy nếu so với họ, VinFast có thực sự cạnh tranh được cả về sản phẩm lẫn giá thành không?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Xe của VinFast có ba yếu tố cốt lõi để cạnh tranh, và tôi nghĩ điều này thì hầu như ai cũng nắm rõ rồi. Thứ nhất là chất lượng xe tốt. Thứ hai là giá cả hợp lý. Và thứ ba là dịch vụ hậu mãi vượt trội. Đây là ba trụ cột chính để VinFast cạnh tranh với các hãng khác.

Về giá thành, chúng tôi liên tục nghiên cứu, cải tiến và tái cấu trúc để giảm mọi loại chi phí - từ chi phí linh kiện, chi phí phát triển, sản xuất đến chi phí kinh doanh. Do đó, chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng VinFast có thể cạnh tranh ngang ngửa với các hãng xe quốc tế.

Ngoài ra, có một yếu tố rất quan trọng khác: Chúng tôi không phải là hãng xe Trung Quốc. Điều này ở nhiều thị trường lại là một lợi thế. Ví dụ, Ấn Độ không cho phép xe Trung Quốc sản xuất nội địa. Có thể vì lý do chính sách bảo hộ, hoặc lý do khác mà tôi không rõ, nhưng rõ ràng xe Trung Quốc không được quá ủng hộ ở nhiều nơi. Ít nhất thì cũng bị hạn chế.

Do vậy, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng - giá nào chơi giá đó. Nhưng điểm mạnh vượt trội nhất chính là dịch vụ hậu mãi. Chúng tôi phục vụ khách hàng với tinh thần tận tâm, điều mà nhiều hãng bỏ quên.

Lấy ví dụ như Tesla ở Mỹ, có xe gặp vấn đề mà đợi sửa hàng tháng, thay linh kiện mất đến 6 tháng là chuyện bình thường. Trong khi đó, VinFast đang hướng đến tiêu chuẩn "sửa xe trong 8 tiếng". Bất cứ xe nào sửa quá 8 tiếng, bộ phận hậu mãi phải báo cáo trực tiếp cho tôi. Mỗi ngày tôi đều nhận được danh sách các xe sửa vượt chuẩn. Dĩ nhiên là trong điều kiện tiêu chuẩn, chứ xe bị tai nạn nặng thì chúng tôi cũng không thể làm phép.

Nói tóm lại, dịch vụ hậu mãi là thứ được VinFast đặt lên hàng đầu. Và chính nhờ điều đó, tôi tin tưởng VinFast không chỉ cạnh tranh được mà còn phát triển tốt trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế: "Thỏ hay gấu thì không thể so với voi". Trung Quốc dù thế nào cũng sẽ chiếm phần lớn thị trường. Chỉ riêng thị trường nội địa của họ đã khổng lồ rồi. Do đó, họ vẫn sẽ phát triển theo cách của họ. Còn VinFast, chúng tôi làm phần của mình. Nếu đạt được vị trí thứ 3, 4 hay 5 toàn cầu thì tôi cho rằng đó đã là thành công lớn rồi.

Phát triển thêm hai lĩnh vực nữa là hạ tầng và năng lượng

Vingroup có kế hoạch đảm bảo nguồn vốn ra sao cho các dự án lớn sắp tới?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu và khả năng cao sẽ mở rộng thêm hai trụ cột mới trong hoạt động của Tập đoàn. Trước đây, Vingroup có ba trụ cột chính là công nghiệp - công nghệ, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội. Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm hai lĩnh vực nữa là hạ tầng và năng lượng.

Về hạ tầng, chúng tôi đã đăng ký với Chính phủ để đầu tư một số tuyến đường sắt cao cấp như tuyến Phú Mỹ Hưng - Cần Giờ và tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. Ngoài ra, còn đang nghiên cứu đầu tư một số cảng biển.

Còn về năng lượng, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển 25.5 GW điện năng lượng tái tạo, và đến năm 2035 là 52.5 GW. Chúng tôi quyết định đầu tư mạnh vào năng lượng vì ba lý do:

1. Xe điện muốn "xanh" thực sự thì điện cũng phải xanh, không thể dùng điện từ nhiên liệu hóa thạch.

2. Việt Nam rất thiếu điện, nếu không đầu tư thì sau này phát triển xe điện sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.

3. Lãnh đạo cấp cao của Nhà nước đều kêu gọi doanh nghiệp lớn góp sức làm những dự án lớn cho đất nước. Vingroup là doanh nghiệp lớn thì phải có trách nhiệm.

Về kế hoạch vốn cho các dự án này, chúng tôi đã có phương án rõ ràng. Nếu làm theo hình thức EPC toàn bộ thì nhà thầu có thể tài trợ đến 90-95% vốn, nhưng định hướng của chúng tôi là: 50% từ EPC, 35% vay ngân hàng, và 15% vốn tự có. Cơ cấu này đã được tính toán kỹ lưỡng.

Cổ đông đặt câu hỏi tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VIC.

Dự kiến tháng 5 sẽ niêm yết Vinpearl

Định hướng phân bổ đầu tư giữa cá nhân Chủ tịch và Tập đoàn như thế nào cho các dự án?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Ngắn gọn, định hướng là: Dự án nào “ngon” thì Tập đoàn đầu tư, còn "xương" thì tôi đầu tư.

Kế hoạch doanh thu 300,000 tỷ đồng trong năm 2025 được phân bổ ra sao giữa các mảng: bất động sản, sản xuất và thương mại dịch vụ?

Nguyễn Thị Thu Hiền - Kế toán trưởng Vingroup: Về câu hỏi đầu tiên liên quan đến kế hoạch doanh thu 300,000 tỷ đồng trong năm 2025, thì phần lớn tỷ trọng doanh thu vẫn đến từ hoạt động bất động sản. Còn tỷ trọng cụ thể từng mảng như bất động sản, sản xuất hay thương mại dịch vụ thì cổ đông có thể xem chi tiết trong BCTC, vì ở đó đã thể hiện rõ từng hoạt động mang về bao nhiêu doanh thu, bao nhiêu phần trăm rồi.

Tiến độ niêm yết và hiệu quả kinh doanh của Vinpearl hiện nay như thế nào?

Nguyễn Thị Thu Hiền - Kế toán trưởng Vingroup: Chúng tôi đã triển khai thủ tục niêm yết từ năm ngoái. Bây giờ đang đi vào những bước cuối cùng, còn chờ các phê duyệt cuối cùng.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup bổ sung thêm: Dự kiến trong vòng 1 tháng tới sẽ hoàn tất toàn bộ thủ tục, và nếu đúng tiến độ thì khoảng tháng 5 năm nay sẽ chính thức niêm yết. Về hoạt động kinh doanh của Vinpearl, hiện tại vẫn đang vận hành các mảng cốt lõi như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, sân golf… Tất cả các hoạt động này đều đang có lãi. Định hướng trong tương lai là tiếp tục phát triển các mảng kinh doanh hiện tại, mở rộng quy mô gắn với các dự án nghỉ dưỡng lớn của Tập đoàn.

Kế hoạch bán hơn 200 ngàn xe VinFast tại Việt Nam năm 2025

Tình hình và định hướng doanh số VinFast tại thị trường quốc tế hiện nay như thế nào?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Hiện tại, doanh số quốc tế của VinFast vẫn còn rất nhỏ. Chúng tôi chia thị trường thành hai nhóm:

Một là các thị trường "cắm cờ" - như Mỹ, châu Âu, Canada - để chứng minh xe VinFast đạt chuẩn quốc tế, có thể vào được những thị trường khó tính.

Hai là các thị trường trọng điểm về doanh số, như Ấn Độ, Indonesia, Philippines. Những nước này sẽ mang lại doanh số vượt trội.

Dự kiến từ ngày 30/06 năm nay, chúng tôi sẽ khánh thành nhà máy tại Ấn Độ, và tháng 10 là nhà máy Indonesia. Sau đó sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng ở các thị trường này. Tôi tin rằng đến năm 2026, doanh số quốc tế sẽ khác biệt hẳn. Trong tương lai, thị trường quốc tế sẽ là trọng tâm, vì dung lượng thị trường xe Việt Nam chỉ khoảng 450,000-500,000 xe/năm, trong khi thế giới tiêu thụ 70-80 triệu xe mỗi năm.

Vingroup có đầu tư vào hạ tầng trạm sạc tại các thị trường quốc tế không, và hướng đi có gì khác biệt?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Muốn phát triển xe điện thì trạm sạc là yếu tố sống còn. Tại các thị trường chúng tôi lựa chọn, Vingroup sẽ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng trạm sạc, tương tự như đã làm ở Việt Nam, đảm bảo mạng lưới dày và rộng.

Điều này các đối thủ không dễ làm, vì không chỉ tốn tiền mà còn rất tốn công sức. Nhưng chúng tôi xác định đó là chìa khóa cạnh tranh.

VinFast đặt mục tiêu thị phần và doanh số ra sao tại thị trường Việt Nam năm 2025, và khi nào đạt điểm hòa vốn?

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup: Kế hoạch năm nay của VinFast tại thị trường Việt Nam là bán hơn 200,000 xe, chiếm khoảng 40% thị phần. Đây là mức thị phần cao nhất từ trước đến nay mà một hãng xe từng đạt được tại Việt Nam, chứ không chỉ riêng các hãng trong nước. Nếu đạt được mức thị phần này thì ở thị trường nội địa, VinFast cũng sẽ đạt điểm hòa vốn tại Việt Nam. Định hướng của chúng tôi là như vậy.

Mục tiêu tăng trưởng mạnh

Năm 2025, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 300,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10,000 tỷ đồng, tăng lần lượt 59% và 90% so với năm 2024, đều là các mốc cao nhất trong lịch sử nếu hoàn thành.

Kết quả kinh doanh 10 năm qua của Vingroup

Trong mảng công nghiệp, thông qua VinFast, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu sản lượng bàn giao xe năm 2025 tối thiểu gấp đôi năm trước. Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu phân khúc xe điện, mở rộng mạng lưới phân phối, dịch vụ hậu mãi và đẩy mạnh chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.

Năm nay, VinFast dự kiến bàn giao các dòng xe dịch vụ (Green) nhằm khai thác mảng vận tải và taxi. Trên thị trường quốc tế, công ty tập trung vào Indonesia, Philippines và Ấn Độ, đồng thời đưa vào vận hành hai nhà máy mới tại 2 quốc gia này.

Ở mảng công nghệ, hệ sinh thái Vingroup đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường Việt Nam về trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển người máy đa năng "made in Vietnam", do công ty thành viên VinMotion triển khai.

Trong lĩnh vực bất động sản, Vinhomes tiếp tục giữ vai trò trụ cột với định hướng phát triển các khu đô thị quy mô lớn tại vị trí chiến lược, có kết nối hạ tầng thuận lợi. Ngày 19/04, Vingroup đã khởi công dự án Vinhomes Green Paradise - khu đô thị du lịch lấn biển tại huyện Cần Giờ (TPHCM) với tổng diện tích hơn 2,870 ha.

Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl xác định 3 trọng tâm chiến lược gồm mở rộng ra các thị trường như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Nam Á; củng cố thị phần nội địa; và phát triển mạnh phân khúc MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện) - hướng tới nguồn thu chủ lực. Doanh nghiệp cũng thúc đẩy bán hàng trực tiếp thông qua hợp tác với các đại lý trực tuyến.

Tiếp tục không chia cổ tức

Năm 2024, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần 189,068 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,276 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 157% so với năm trước. Mức lợi nhuận này vượt 17% kế hoạch đề ra dù doanh thu chỉ đạt 95% mục tiêu.

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2024 là 44,468 tỷ đồng. HĐQT đề xuất trích 5 tỷ đồng vào Quỹ dự trữ, phần còn lại giữ lại để tái đầu tư. Như vậy, Vingroup không chia cổ tức năm 2025, là năm thứ 4 liên tiếp sau lần chia cổ phiếu năm 2020 với tỷ lệ 12.49%.

Đại hội lần này cũng thông qua bổ sung 13 ngành nghề kinh doanh mới cho VIC, gồm dịch vụ hỗ trợ vận tải đường thủy, bốc xếp hàng hóa, xây dựng công trình thủy, bán lẻ qua Internet, truyền tải và phân phối điện...

Tập đoàn thời gian qua liên tục đề xuất các dự án hạ tầng, logistics, năng lượng quy mô lớn. Đáng chú ý, tháng 3/2025, Vingroup đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao dài hơn 48 km kết nối trung tâm TPHCM với Cần Giờ, tổng vốn ước tính 102,370 tỷ đồng (khoảng 4.09 tỷ USD), dự kiến khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2028.

Bài cập nhật

Thế Mạnh

FILI - 10:33:00 24/04/2025