Bài cập nhật
ĐHĐCĐ OCB: Lãi trước thuế quý 1 gần 900 tỷ, có thể tiến tới sở hữu công ty chứng khoán
Sáng ngày 22/04/2025, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 nhằm trình kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, phân phối lợi nhuận, bầu cử thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2025-2030.
![]() ĐHĐCĐ thường niên 2025 của OCB được tổ chức sáng ngày 22/04/2025. |
Lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 33%, tín dụng xanh chiếm trên 11%
HĐQT OCB cho biết năm 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Ngân hàng. Phấn đấu đưa OCB vào top 5 ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả và ESG, đảm bảo sự phát triển bền vững. Định hướng sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. Hoàn thiện và thúc đẩy thực thi ESG toàn diện trong hoạt động ngân hàng hướng đến mục tiêu tỷ trọng tín dụng xanh trên tổng dư nợ thị trường 1 năm 2025 trên 11%.
OCB đặt ra mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt 316,779 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tổng huy động thị trường 1 đạt 218,842 tỷ đồng, tăng 14%; trong khi tổng dư nợ thị trường 1 đạt 208,472 tỷ đồng, tăng 16%.
Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 5,338 tỷ đồng, tăng 33% so với kết quả 2024. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB hơn 4,006 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, cộng với lợi nhuận còn lại các năm trước, lợi nhuận còn lại gần 3,706 tỷ đồng.
OCB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương số tiền 1,726 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận Ngân hàng còn lại sau khi trả cổ tức tiền mặt là gần 1,980 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ lên mức 26,631 tỷ đồng
Với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của cơ quan chức năng.
Theo đó, OCB dự kiến phát hành gần 197.3 triệu cp (tỷ lệ 8%) để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.
Nguồn vốn sử dụng từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2024, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định. Thời gian thực hiện trong năm 2025, ngay sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 24,658 tỷ đồng lên 26,631 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm OCB dự kiến dùng để đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Như các ngân hàng khác trong hệ thống, tại Đại hội lần này, OCB cũng trình phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm. OCB cho biết căn cứ theo Luật Các tổ chức tín dụng ban hành ngày 18/01/2024, có quy định “phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm của ngân hàng thương mại cổ phần phải được ĐHĐCĐ thông qua”.
Theo đó, giao và ủy quyền cho HĐQT quyết định việc điều chỉnh, bổ sung nội dung tại Phương án khắc phục dự kiến, đề nghị điều chỉnh, bổ sung bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để gửi lại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2025-2030
HĐQT OCB nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 22/04/2025. Do đó, OCB đã thông báo đến cổ đông các thủ tục đề cử, ứng cử làm thành viên HĐQT, BKS để tổng hợp danh sách xin chấp thuận của NHNN.
Sau khi hết hạn đề cử, ứng cử, OCB nhận được hồ sơ đề cử của cổ đông là Ngân hàng Aozora, sở hữu 15% vốn điều lệ OCB, đề cử ông Yoshizama Toshiki và ông Segawa Mitsuhiro làm Thành viên HĐQT. Căn cứ nhu cầu nhân sự cho HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2025-2030 dự kiến gồm 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên BKS, HĐQT đã đề cử thêm các ứng cử viên còn thiếu và thông qua Nghị quyết số 23/2025/NQ-HĐQT về danh sách dự kiến nhân sự HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2025-2030.
NHNN cũng đã chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến với HĐQT và BKS như sau:
Ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2025 - 2030 OCB gồm 7 thành viên: Ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và ông Dương Kỳ Hiệp.
Ứng viên BKS có 5 thành viên gồm có: Bà Đặng Thị Thanh Huyền, bà Đặng Thị Quý, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Trọng Hải, ông Phạm Quang Vinh.
Thảo luận:
OCB có tiến tới mua OCBS?
Hiện trên thị trường có thông tin công ty chứng khoán Quốc tế sẽ đổi tên thành công ty chứng khoán OCBS. Liệu OCB có tiến tới mua OCBS không? Định hướng như thế nào?
Ông Trịnh Văn Tuấn: Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn khi tỷ lệ dân số tham gia chưa cao và cơ hội nâng hạng thị trường lên mới nổi là rất lớn. Đây cũng là lĩnh vực mà các ngân hàng trên hệ thống nói chung và OCB nói riêng khá tâm huyết giúp ngân hàng hoàn thiện mảnh ghép trong hệ sinh thái của mình, đẩy mạnh phát triển, đa dạng dịch vụ sản phẩm, đồng thời gia tăng khoản thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng.
Tại OCB, ngân hàng cũng cần 1 ngân hàng đầu tư để phối hợp với nhau, phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt là nhóm khách hàng priority. Do vậy, Ban lãnh đạo OCB đã có định hướng sở hữu công ty chứng khoán, nhằm mục tiêu đưa OCB trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường hiện chưa thuận lợi nên ở giai đoạn này, OCB đã triển khai việc hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty chứng khoán VIS (hiện đổi tên thành CTCK OCBS). Về dài hạn, có thể tiến tới sở hữu công ty chứng khoán trong thời gian tới khi điều kiện thuận lợi. Chúng tôi kỳ vọng, hoạt động này sẽ đem đến nhiều lợi ích cho OCB và cổ đông.
Lợi nhuận trước thuế quý 1 gần 900 tỷ đồng
Kế hoạch 2025 đặt ra tăng 33% có khả thi không? Kết quả kinh doanh quý 1/2025?
Ông Phạm Hồng Hải: Thực tế, kết quả kinh doanh năm 2024 của Ngân hàng chưa đạt như kỳ vọng lý do chính đến từ nợ xấu tăng, cụ thể là nợ của khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chủ động tăng đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, chuyển đổi số phục vụ phát triển dài hạn và tăng dự phòng rủi ro tín dụng, củng cố bộ đệm dự phòng. Mặc dù, ở giai đoạn ngắn hạn có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng nhưng về dài hạn, đây được xem là chi phí tốt, nhằm tạo đà phát triển bền vững cho OCB và thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn sắp tới.
Để đạt được kế hoạch năm 2025, ngân hàng sẽ tập trung vào các kế hoạch hành động trọng tâm bao gồm: Tập trung thu nhập lõi, tăng tỷ trọng thu nhập phí và CASA, tập trung chuyển đổi số và phát triển dữ liệu, quản trị vốn và rủi ro theo chuẩn Basel, xây dựng văn hóa và nâng cao năng lực nhân sự. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm, thực hiện mục tiêu mỗi khách hàng tối thiểu sẽ sử dụng 4 sản phẩm của OCB.
Năm 2025, dưới tác động của thuế quan, nhưng dưới chính sách của Chính phủ, kỳ vọng bức tranh kinh tế tốt hơn.
Quý 1/2025, tín dụng và huy động tăng 2.2 và 8.3%. Tín dụng mục tiêu tăng 16% trong năm 2025, tập trung và chất lượng tín dụng. Doanh thu hoạt động gần 2,273 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Doanh thu cốt lõi đạt 2,216 tỷ đồng, tăng 17%. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 900 tỷ đồng, thực hiện được 17% kế hoạch.
OCB kỳ vọng đang đi vào những vấn đề còn tồn tại dư nợ KHCN đang giải quyết, kỳ vọng 1-2 quý tới, bức tranh nợ xấu sẽ cải thiện rõ rệt.
Hiện ROE của OCB đang chưa cao, vậy làm sao để ngân hàng có kế hoạch gì để cải thiện ROE?
Ông Trịnh Văn Tuấn: Giai đoạn trước năm 2022, OCB có tỷ suất ROE rất cao, hơn 20%, nằm trong Top 3 của thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây lại giảm do tình hình suy giảm chung của thị trường. HĐQT và ban điều hành nắm rõ và chắc chắn đã có giải pháp để cải thiện. Mục tiêu OCB là top 5 tư nhân về tỷ suất lợi nhuận và ESG. Mục tiêu năm nay là 15%, sang năm cao hơn.
Aozora hướng đến hợp tác 10 năm với OCB
Aozora có thể chia sẻ tầm nhìn sau khi đã là cổ đông chiến lược nhiều năm của OCB? Aozora đóng góp gì cho OCB trong những năm qua? Có ý định thoái vốn khỏi OCB không?
Ông Yoshizawa Toshiki - TV HĐQT, Đại diện Aozora Bank: Sau 4 năm đồng hành trong vai trò đối tác chiến lược, Aozora Bank đã hỗ trợ OCB xây dựng và phát triển mạng lưới khách hàng doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản, với mức tăng trưởng doanh thu thuần ấn tượng, lần lượt đạt 52% và 43% trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Aozora Bank cũng đã hỗ trợ OCB thiết kế, triển khai các chương trình/sản phẩm phù hợp với nhu cầu đặc thù của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), nhờ đó tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng mục tiêu. Đặc biệt, OCB và Aozora Bank đã phối hợp cùng cơ quan JICA và một số tổ chức uy tín của Nhật Bản tổ chức các hội thảo chuyên đề dành cho đội ngũ quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp SMEs.
Bên cạnh đó, Aozora Bank cũng hỗ trợ OCB để xây dựng và cung cấp các giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-ups) có các kỹ thuật công nghệ cao ở những lĩnh vực thiết yếu như dược phẩm, vận tải, bán lẻ… Nhóm doanh nghiệp này là nhóm có dòng tiền ổn định và là hạt nhân của nền kinh tế mới.
Aozora Bank hỗ trợ OCB trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên có phiên bản tiếng Nhật cho ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, từ đó nâng cao đáng kể trải nghiệm và mức độ hài lòng của hách hàng Nhật Bản tại Việt Nam. Ngoài ra AOZ còn hỗ trợ OCB triển khai các sản phẩm ngân hàng theo xu thế mới như: Green Deposit (Tiền gửi xanh), thẻ tín dụng cho người nước ngoài. Aozora Bank cũng chủ động phối hợp cùng OCB trong việc rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến hoạt động phục vụ khách hàng nước ngoài, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và hiệu quả trong triển khai thực tiễn.
Đồng thời, Aozora Bank cũng giới thiệu các nhà đầu tư Nhật Bản tiềm năng cho các khách hàng tổ chức của OCB thông qua các hoạt động Mua bán sát nhập (M&A) và giới thiệu cơ hội hợp tác kinh doanh.
Bước sang năm 2025, Aozora Bank sẽ tiếp tục đồng hành cùng OCB trong việc mở rộng tệp khách hàng, hỗ trợ vận hành, kết nối hợp tác tạo ra các cơ hội kinh doanh giữa OCB, khách hàng và các đối tác Nhật Bản và cả các đối tác đến từ nhiều quốc gia. Chúng tôi tin tưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam và cả OCB. Song song đó, chúng tôi không hướng đến ngắn hạn mà hướng đến dài hạn, tốt nhất hợp tác với OCB 10 năm.
Dư nợ tín dụng xanh năm 2024 đạt hơn 30%
Năm ngoái OCB công bố triển khai chiến lược Ngân hàng Xanh - Green Bank. Ngân hàng vui lòng cho biết thêm, chiến lược này đã mang lại hiệu quả gì cho OCB trong năm 2024, và dự kiến cả trung và dài hạn?
Ông Phạm Hồng Hải: Năm 2024 là một năm rất đặc biệt với OCB khi mà chúng tôi đã chính thức công bố triển khai chiến lược Ngân hàng Xanh và mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ hướng tới Net Zero vào năm 2050. Chiến lược này đã mang lại khá nhiều dấu ấn mang tên OCB trên thị trường và trong giai đoạn trung, dài hạn. Tôi tin rằng, nó cũng là một yếu tố đem đến sự khác biệt của OCB so với những ngân hàng khác.
Như vậy, trong năm 2024, chúng tôi cũng đa dạng danh mục tín dụng xanh bao gồm: năng lượng tái tạo; xử lý, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải; công trình xanh và nông nghiệp thông minh (danh mục mới). Hoạt động này đã giúp số lượng khách hàng của OCB tăng đáng kể. Từ đó, dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt. Tính đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh tại OCB đã tăng hơn 30% so với năm 2023; chiếm 11% tổng dư nợ cuối năm 2024.
Song song đó, hoạt động nâng cấp quy trình, ra mắt các sản phẩm và công nghệ mới như: Quy trình đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế; ra mắt sản phẩm tín dụng căn hộ xanh, Green Deposit... đã được các Tổ chức tài chính quốc tế đánh giá rất cao. Từ đó, nâng cao uy tín, thu hút thêm đối tác và nhà đầu tư ngoại. Đơn cử, chúng tôi đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như IFC, PwC, DEG,.. trong việc tăng cường, nâng cao khả năng nguồn vốn xanh (IFC tài trợ 175 triệu USD). Đặc biệt, việc triển khai chiến lược Ngân hàng Xanh cũng đã giúp OCB tăng hiệu quả rõ rệt trong công tác vận hành. Thời gian tới, OCB sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh thông qua việc triển khai KPI Green Loan dành cho các Khối kinh doanh. Hoàn thiện khung quản trị ESG theo thông lệ quốc tế, phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh, tài chính toàn diện. Định hướng nâng cao xếp hạng ESG của ngân hàng, đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Trong dài hạn, cổ phiếu OCB chắc chắn tốt"
Năm đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của OCB, động lực nào cho sựu chuyển mình này?
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc: Năm 2025 là năm cuối của chiến lược 5 năm 2021-2025 và chuyển mình sang giai đoạn 2026-2030. Trong chiến lược phát triển chính, OCB đã hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Đây là nhóm khách hàng còn nhiều tiềm năng về nhà phân phối, nhà cung cấp… Từ đó, OCB muốn đẩy mạnh thêm mảng KHCN, có thể là CBNV hoặc khách hàng của doanh nghiệp lớn.
Thứ hai, doanh nghiệp SME cũng là trọng tâm của OCB trong giai đoạn tới. FDI cũng là mảng có nhiều tiềm năng phát triển, dĩ nhiên không đối mặt với ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, còn các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cũng ứng của doanh nghiệp FDI. OCB hướng đến giai đoạn cân bằng, bền vững cho 5 năm kế tiếp.
Kỳ vọng vào sự chuyển mình của đất nước, OCB sẽ tận dụng được để phát triển.
Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn: Khi yếu kém ở đâu thì phải đứng lên ở đó. Kết quả năm 2022-2023 không tốt. HĐQT phải nhìn nhận và đánh giá lại, tái cấu trúc mô hình tổ chức, định hình lại đội ngũ nhân sự. Cho nên việc chuyển mình mạnh mẽ đang thực hiện. Kỳ vọng vào sự chuyển mình và khởi sắc của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản, theo đó tình hình hoạt động phục hồi. Trong trung và dài hạn sẽ khởi sắc.
Cổ phiếu OCB có xu hướng giảm mạnh trong vòng 1 năm qua, vậy theo ban lãnh đạo Ngân hàng giá cổ phiếu OCB khi nào mới phục hồi?
Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn: Giá do thị trường và cổ đông quyết định. Tuy nhiên, hiện nay giá cổ phiếu OCB đang được định giá bằng hoặc thấp hơn 30-35% bình quân giá các ngân hàng TMCP khác.
Về câu chuyện giá phục hồi, chỉ có thể do thị trường. Đầu tư vào OCB phải có tầm nhìn dài hạn. Tôi cam kết trong dài hạn, cổ phiếu OCB chắc chắn tốt. Tôi tin tưởng vào hoạt động OCB và kỳ vọng trong dài hạn, cổ phiếu sẽ đượ định giá đúng giá trị của mình.
Vì tại OCB, mọi hoạt động được công khai, minh bạch, có sự góp sức của cổ đông chiến lược Aozora Bank, nên không tiềm ẩn rủi ro hoạt động quá lớn.
Nhìn vào thực tế, OCB đã trải qua thời kỳ phát triển tốt cho đến lúc niêm yết, từ ngân hàng bé cho đến hiện nay. Lợi nhuận có những năm tăng gấp đôi (năm 2021). Tuy nhiên, từ 2022 đến nay, tình hình kinh tế thế giới đảo chiều, chính sách Fed duy trì lãi suất thấp, hỗ trợ kinh doanh, lạm phát cao, cũng đã tác động thị trường tài chính thế giới và trong nước, trong đó có OCB.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Cát Lam