Ngân hàng chia cổ tức: Cần “ấm lòng” cổ đông hay củng cố nội lực?
Nên chia cổ tức bằng tiền mặt để chiều lòng cổ đông hay giữ lại để củng cố nền tảng tài chính cho ngân hàng, nhất là trong tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều bất định, có lẽ là băn khoăn của ban điều hành các ngân hàng trong mùa ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Trước dịch COVID-19, cổ tức tiền mặt cũng được xem như một phần thu nhập chính yếu của cổ đông ngân hàng. Thế nhưng trong những năm dịch, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng hạn chế chia cổ tức tiền mặt, tăng cường chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý rủi ro. Sau khi kinh tế dần hồi phục, một số ngân hàng đã trở lại với cổ tức tiền mặt, nhưng tỷ lệ không cao như trước đây.
Trong kế hoạch năm 2025, một số ngân hàng rất nỗ lực trong việc chia cổ tức tiền mặt, nhưng tỷ lệ còn thấp so với mức chia cổ tức bằng cổ phiếu. ACB chia cổ tức với tổng tỷ lệ 25% (10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. VIB chia cổ tức tổng tỷ lệ 21%; trong đó 7% bằng tiền mặt, 14% bằng cổ phiếu. MB chia cổ tức 35%, nhưng chỉ chia 3% bằng tiền mặt và đến 32% bằng cổ phiếu. SHB chia cổ tức 18%; trong đó có 5% bằng tiền mặt, còn 13% bằng cổ phiếu. OCB cũng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7% hay VPBank chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%. TPBank cũng dự kiến chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Thế nhưng, trong phần đông còn lại, xu hướng chủ yếu vẫn là giữ lại lợi nhuận, không chia hoặc hoàn toàn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Có những ngân hàng đã nhiều năm không được chia cổ tức dù là bằng cổ phiếu - đa số là các ngân hàng này đang trong quá trình tái cơ cấu, tập trung xử lý nợ xấu sau khi sáp nhập, hợp nhất.
Điều này đặt ra câu hỏi nên chia cổ tức bằng tiền mặt để chiều lòng cổ đông hay giữ lại để củng cố nền tảng tài chính cho ngân hàng, nhất là trong tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều bất định?
Kinh tế toàn cầu bất định - Áp lực nội tại gia tăng
Năm 2025 mở ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đầy biến động, từ xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, xung đột địa chính trị, đến sự chậm phục hồi của thương mại toàn cầu, xung đột chính sách thuế quan giữa các nền kinh tế lớn… Những yếu tố này đang lan tỏa, ảnh hưởng rõ nét tới kinh tế trong nước, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến tín dụng ngân hàng như bất động sản, tiêu dùng, xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng buộc phải trở nên thận trọng hơn, đặc biệt trong việc quản lý vốn tự có, kiểm soát rủi ro nợ xấu, và duy trì năng lực đáp ứng các chuẩn Basel II và hướng tới Basel III.
Không thể phủ nhận rằng, cổ tức tiền mặt là điều cổ đông mong đợi, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân. Đây là dòng tiền thực, giúp cổ đông cảm nhận được “giá trị hiện hữu” của khoản đầu tư.
Tuy nhiên, trong một môi trường kinh tế chưa ổn định, với nhiều rủi ro tiềm ẩn, việc chi trả cổ tức tiền mặt cao đồng nghĩa với việc ngân hàng mất đi nguồn lực tài chính quan trọng, ảnh hưởng tới kế hoạch tăng vốn, xử lý nợ xấu, đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số.
Với cổ đông dài hạn, dòng tiền tức thời không tạo giá trị bằng việc giữ lại lợi nhuận để gia tăng vốn chủ sở hữu, từ đó giúp ngân hàng tăng trưởng ổn định và nâng định giá cổ phiếu.
Như tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, tổ chức vào ngày 08/04 của Ngân hàng ACB, một cổ đông lâu năm đã nêu ý kiến vì sao ngân hàng lại chia tổ tức tiền mặt đến 10%, trong khi có thể chia hết bằng cổ phiếu. Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, các năm trước, cổ đông vẫn mong muốn ACB cố gắng chia cổ tức tiền mặt. Trước khi quyết định chia tiền mặt hay cổ phiếu, ACB cũng đã cân nhắc làm sao cân bằng cho vốn của cổ đông tối ưu trong trung và dài hạn, chứ không phải chỉ trong 6 tháng.
Trong khi đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng gia tăng vốn điều lệ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí hơn so với huy động từ thị trường. Đồng thời, ngân hàng có thể cải thiện hệ số CAR, giúp mở rộng quy mô tín dụng khi nền kinh tế phục hồi; tạo nguồn lực để đầu tư vào chuyển đổi số, quản trị rủi ro, và dịch vụ tài chính mới, tạo ra động lực tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.
Dưới góc nhìn dài hạn, đây là phương thức “gieo hạt” cho sự bền vững. Cổ đông dù không có dòng tiền ngay nhưng sở hữu nhiều cổ phần hơn và nếu ngân hàng tăng trưởng tốt, giá cổ phiếu sẽ phản ánh giá trị thực - đây mới là phần thưởng lớn nhất dành cho cổ đông.
Cân bằng lợi ích hiện tại và chiến lược dài hạn
Trong tình hình hiện tại, phương án chia cổ tức kết hợp cổ phiếu và tiền mặt là lựa chọn hợp lý. Một phần giúp cổ đông vẫn “ấm lòng”, cảm nhận được sự ghi nhận và đồng hành thông qua phần tiền mặt; đồng thời giúp ngân hàng tái đầu tư nội lực, bảo toàn thanh khoản, duy trì sức mạnh tài chính và sẵn sàng tăng trưởng khi điều kiện thuận lợi trở lại.
“Nghệ thuật cân bằng” giữa tầm nhìn dài hạn của ngân hàng và kỳ vọng thực tế của cổ đông - tạo niềm tin và giữ chân nhà đầu tư chiến lược - đang được đa số các ngân hàng áp dụng.
Chia cổ tức tiền mặt có thể làm hài lòng cổ đông hôm nay, nhưng chính cổ tức cổ phiếu mới tạo nền móng để giá trị cổ phần của họ tăng bền vững ngày mai.
Trong dài hạn, những ngân hàng có nội lực mạnh, quản trị tốt, vốn hóa đủ dày và chiến lược rõ ràng sẽ là những tổ chức dẫn dắt làn sóng phục hồi của thị trường tài chính ngân hàng. Và khi đó, giá cổ phiếu của những ngân hàng này sẽ phản ánh trọn vẹn giá trị nội tại, trở thành phần thưởng xứng đáng cho cổ đông kiên trì.
Cát Lam