Ngành chăn nuôi heo Việt ra sao trong "bão" thuế quan từ Mỹ?

date
07/04/2025 18:02

Ngành chăn nuôi heo Việt ra sao trong "bão" thuế quan từ Mỹ?

Cú đòn thuế từ Tổng thống Trump đã gây hỗn loạn toàn cầu, và Việt Nam bị áp dụng mức thuế đối ứng tới 46%. Thực tế, trước khi ông Trump công bố chính sách thuế, Việt Nam đã có động thái chủ động ứng phó bằng việc giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ, thậm chí có những mặt hàng giảm về mức 0%.

Rạng sáng ngày 03/04/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sốc cho thế giới khi công bố mức thuế đối ứng được đánh giá là “quá cao”. Trong đó, Việt Nam bị áp mức thuế tới 46%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế đối ứng rất cao với nhiều quốc gia trên thế giới

Tuy nhiên, với một mức thuế được cho là cao vô lý, các chuyên gia cho rằng điều cần chú ý là động cơ phía sau, bởi công thức tính thuế của ông Trump dựa trên mức thâm hụt thương mại. Theo ông Vũ Tuấn Duy - Bộ phận Vĩ Mô & Chiến Lược thị trường Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), mục đích của ông Trump là muốn giảm thâm hụt thương mại kèm thông điệp hãy mua hàng của Mỹ thay vì quốc gia khác, dù có đắt hơn. Bản thân ông Trump cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán về các mức thuế quan mới cho các nước, nếu họ đưa ra "điều gì đó xuất sắc".

* Thị trường đã hiểu đúng về bản chất trong việc áp thuế 46% của Trump?

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương, Việt Nam liên tục duy trì thặng dư thương mại với Mỹ trong 5 năm gần nhất. Năm 2024, mức thặng dư là 106 tỷ USD. Nói cách khác, để giảm được mức thuế đối ứng theo góc nhìn của ông Trump, cần phải giảm mức thặng dư này thông qua thuế và việc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ.

Việt Nam sẵn sàng đưa thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về 0%

Tối 04/04/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Trên thực tế, trước “giờ G” công bố mức thuế, Việt Nam đã có động thái chủ động ứng phó bằng việc giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ. Theo Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31/03, loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ đã được giảm thuế về mức thấp, thậm chí bằng 0%.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản cũng được giảm thuế, trong đó, ngô và khô dầu đậu tương giảm về 0%.

Ngành chăn nuôi heo có hưởng lợi khi thuế nhập khẩu về 0%?

Một trong những rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp chăn nuôi heo là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo CTCK Tiên Phong (HOSE: ORS), thông thường chi phí thức ăn chăn nuôi đối với các doanh nghiệp chiếm khoảng 60-65% giá thành sản xuất heo, thậm chí có doanh nghiệp chiếm tới 80%. Do vậy, bất kỳ sự gia tăng nào về giá nguyên liệu như bắp, đậu tương đều sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Chiều ngược lại, giá nguyên liệu thức ăn giảm tức giá thành sản xuất giảm, và biên lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng được cải thiện. Trong đó, nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngô và đậu tương.

Ảnh minh hoạ

Minh chứng là năm 2024 lãi đậm của “trùm chăn nuôi” Dabaco (HOSE: DBC) và “heo ăn chay” Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF). Cụ thể, Dabaco năm 2024 lãi ròng 769 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp gần 31 lần năm trước, còn BAF lãi kỷ lục 323 tỷ đồng, gấp 12 lần năm trước. Một phần nguyên nhân do giá heo hơi tăng mạnh suốt năm qua; mặt khác, còn nhờ hưởng lợi từ giá nguyên liệu giảm mạnh. Thời điểm cuối năm 2024, giá ngũ cốc đi lùi khoảng 20% so với đầu năm. Lãi gộp của Dabaco được cải thiện từ 10% lên gần 14%, trong khi của BAF là từ 6.5% đến 13%.

Tình hình kinh doanh của Dabaco
Tình hình kinh doanh của BAF

Trao đổi với người viết, Ngô Cao Cường – Phó Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) có cùng nhận định như vậy. Ông Cường cho biết, ngô và đậu tương hiện chiếm 65% chi phí sản suất thức ăn chăn nuôi của BAF, và nguồn nhập khẩu chính vẫn đến từ Mỹ. Đồng thời, thức ăn chăn nuôi có tỷ trọng tới 60% trong giá vốn chăn nuôi heo.

“Việc giảm thuế nhập khẩu ngô và khô dầu đậu tương còn 0% đồng nghĩa với giá giảm, qua đó góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất cho Công ty”, ông Cường nói và cho biết thêm BAF vừa qua đã khởi công một nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Định với công suất 200,000 tấn/năm, nâng tổng công suất lên 660,000 tấn/năm, nên sẽ cần một nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tương đối lớn, phù hợp với kịch bản sắp tới.

Châu An

FILI - 17:00:00 07/04/2025