Trông chờ đàm phán, doanh nghiệp Việt chủ động chuẩn bị phương án ứng phó thuế quan
Với các bước đàm phán với Mỹ từ Chính phủ, doanh nghiệp đang mong chờ Nhà nước sẽ có hành động kịp thời để thương lượng, giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn có thể xảy ra sắp tới.
Ngày 03/04/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam. Đây là một phần trong chính sách thuế quan mới nhằm vào 60 quốc gia có mất cân bằng thương mại lớn với Mỹ, với mức thuế cơ bản tối thiểu 10% áp dụng từ ngày 05/04, và mức thuế cao hơn bắt đầu từ ngày 10/04.
Mức thuế 46% được dự báo sẽ làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Mỹ và sẽ là thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Mỹ.
Báo cáo phân tích đầu tháng 4 của Dragon Capitalcho thấy, 20 doanh nghiệp niêm yết chịu ảnh hưởng từ mức thuế đối ứng, có tổng vốn hóa tính đến cuối năm 2024 đạt gần 12 tỷ USD, đạt doanh thu năm 2024 ước tính trên 323.5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ hơn 45 ngàn tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu. Các doanh nghiệp này chiếm khoảng 5.5% vốn hóa và 2% doanh thu của toàn bộ VN-Index. Trong đó, ngành dệt may, cao su săm lốp, đồ gỗ, tiêu dùng, thực phẩm… chịu tác động nặng nề vì có tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Mỹ/tổng doanh thu cao.
Báo cáo nhanh của VCBS công bố ngày 08/04 cũng đánh giá tác động của thuế quan đến 100 doanh nghiệp trong 17 ngành. Theo đó, ngành may mặc như TCM có thị trường xuất khẩu đa dạng, hơn 70% đến từ châu Á, tỷ trọng xuất khẩu giảm dần sang Mỹ những năm gần đây được đánh giá chịu tác động rất tiêu cực. TNG cũng chịu cảnh tương tự khi tỷ trọng doanh thu xuất khẩu sang Mỹ cao.
Ngành cá tra, được đề cập đến như VHC, ANV… chịu ảnh hưởng lớn do Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ đạo, mức thuế này làm giảm cạnh tranh của cá tra Việt Nam so với các đối thủ khác như Trung Quốc (34%), và Mỹ có thể mở cửa giao thương lại với Nga.
Một số ngành ít chịu tác động hơn, chỉ có ảnh hưởng gián tiếp vào hàng nhập khẩu nếu tỷ giá tăng như dược, bán lẻ, phân phối ô tô…
Doanh nghiệp lên phương án dự phòng
Việc Mỹ đã công bố chính sách thuế đối ứng đối với các sản phẩm của Việt Nam dự kiến sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam và niềm tin của người tiêu dùng nói riêng.
Trước những bất ổn từ thương mại toàn cầu, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp trong nước đã có phương án dự phòng hay chuẩn bị gì để đối mặt với vấn đề thuế quan này.
Ngày 08/04, đại diện Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cho biết mức thuế quan được đề xuất của Mỹ sẽ có tác động rất hạn chế đến hoạt động kinh doanh và triển vọng của Tập đoàn. Thị trường Mỹ đóng góp chưa đến 1% vào doanh thu của Masan Consumer (UPCoM: MCH). Các sản phẩm chủ lực của Masan High-Tech Materials hiện được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan đã công bố. Thêm nữa, giá các mặt hàng thiết yếu tại WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với tất cả kênh khác trên thị trường.
Và Việt Nam đã đề nghị mức thuế 0% đối với Mỹ. Điều này giúp giảm chi phí nguyên vật liệu cho ngành thực phẩm tiện lợi và thịt, cũng như giúp giảm chi phí sản xuất của Doanh nghiệp.
Masan tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, nên Công ty ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, đại diện Masan cho biết vẫn không chủ quan, tích cực theo dõi tình hình triển khai các mức thuế và ảnh hưởng tiềm tàng đến thị trường tiêu dùng tại Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị các chiến lược kinh doanh, triển khai chiến lược giá linh hoạt, bám sát tình hình thực tế và cấu trúc danh mục sản phẩm phù hợp để giảm thiều bất kỳ tác động nào đến tâm lý tiêu dùng.
Bà Hồ Trúc Lam - đại diện CTCP Hàng tiêu dùng Thabico (Thabico Consumer) chia sẻ, trước thông tin thuế quan, là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, trong đó có thị trường Mỹ, Thabico đang đánh giá tình hình và chờ đợi mức thuế cuối cùng áp dụng vào ngày 10/04 tới đây có như công bố trước đó vào ngày 02/04 từ phía Mỹ hay không. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có các bước đàm phán với phía Mỹ, mong rằng Nhà nước sẽ có hành động kịp thời để thương lượng, giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn có thể xảy ra sắp tới.
Hiện nay, đối tác từ Mỹ của Thabico cho biết họ vẫn tiếp tục thực hiện với các đơn hàng đã ký. Tuy nhiên, đơn hàng trong các quý tiếp theo vẫn phải đợi thông tin từ thuế quan.
Đại diện một công ty sản xuất dụng cụ Golf xuất khẩu sang Mỹ cho biết, trước thông tin thuế quan, Công ty đã lên phương án ứng phó, dự phòng tất cả tình huống xảy ra để có ảnh hưởng ở mức tối thiểu nhất. Với việc có nhà máy ở nhiều quốc gia, các đơn hàng đã ký, Công ty sẽ đàm phán với các nhà máy đặt tại các quốc gia chịu thuế thấp (như Mexico), sau đó mới xuất hàng đi Mỹ. Trong dài hạn, Công ty sẽ phát triển thêm nhà máy ở một số quốc gia khác nhau, để giảm thiểu rủi ro, trong đó có vấn đề thuế quan.
Trước đó, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 03/04, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc ông Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 nền kinh tế, chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản.
VASEP cho rằng sự không rõ ràng trong chính sách hiện tại dẫn đến các khả năng, nếu Hải quan Mỹ tính thuế dựa trên ngày hàng cập cảng (sau 09/04/2025), các lô hàng đang vận chuyển sẽ chịu mức thuế 46%. Điều này gây thiệt hại lớn vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng đồng theo phương thức DDP (trả thuế và giao hàng cho khách hàng tại Mỹ) với giá dựa trên mức thuế hiện tại (thường 0% hoặc 5.5-7% do thuế chống bán phá giá).
Với mức 46%, cao hơn nhiều so với mức thuế áp cho các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh, thủy sản Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thị trường quan trọng nhất này, mất khả năng cạnh tranh ở Mỹ vì các nước xuất khẩu thủy sản khác đều có mức thuế thấp hơn nhiều so với Việt Nam (Ấn Độ 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%...).
VASEP đề xuất Chính phủ cần có phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ sớm nhất để giúp ngành thủy sản. Một số nội dung quan trọng được VASEP trình như xác định thống nhất mốc thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu; đàm phán điều chỉnh giảm mức thuế xuống mức phù hợp nhất; Việt Nam đang và sẽ tiếp tục nhập khẩu hàng ngàn tấn khô đậu tương từ Mỹ với mức thuế nhập khẩu hiện nay là 0%; đàm phán với Chính phủ Mỹ không áp mức 46% lên tất cả mặt hàng, cần tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế tương ứng.
Trong thư ngỏ gửi cổ đông ngày 04/04, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) đánh giá, nếu được triển khai, chính sách thuế mới từ phía Mỹ sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung cũng như đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng, trong đó có CII.
Thứ nhất, hơn 95% tổng tỷ trọng đầu tư hiện tại của CII tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong nước, bao gồm các dự án giao thông và bất động sản khu đô thị. Vì vậy, chính sách thuế xuất nhập khẩu - vốn ảnh hướng chủ yếu đến các ngành có liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế - không tạo ra tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
Thứ hai, hiện tại và tương lai, CII không có các khoản vay bằng đồng USD. Do các rủi ro liên quan đến tỷ giả hay chi phí tài chính bằng USD không ảnh hưởng đến Công ty ở hiện tại cũng như trong tương lai gần.
Thứ ba, hoạt động của CII tiếp tục được hỗ trợ tích cực bởi định hướng phát triển hạ tầng đồng bộ và đẩy mạnh đầu tư công từ phía Chính phủ.
Đại diện cho ngành chăn nuôi, phía CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) cho biết, ngô và đậu tương hiện chiếm 65% chi phí sản suất thức ăn chăn nuôi của BAF, và nguồn nhập khẩu chính vẫn đến từ Mỹ. Đồng thời, thức ăn chăn nuôi có tỷ trọng tới 60% trong giá vốn chăn nuôi heo. Theo đó, việc giảm thuế nhập khẩu ngô và khô dầu đậu tương còn 0% đồng nghĩa với giá giảm, qua đó góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất cho Công ty.
Ở ngành may mặc, Chủ tịch CTCP Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) Trần Như Tùng kỳ vọng chính sách thuế quan chỉ mang tính tạm thời, trước khi điều chỉnh lại mức thuế hợp lý hơn. Chính phủ Việt Nam cũng đã họp khẩn cấp và cử Phó Thủ tướng sang Mỹ đàm phán. Nếu có sự điều chỉnh về mức thuế, tình hình sẽ khả quan hơn cho doanh nghiệp.
Cát Lam