Bữa đại tiệc của ngành chăn nuôi heo quý 1

date
17/05/2025 10:02

Bữa đại tiệc của ngành chăn nuôi heo quý 1

Việc giá heo hơi trung bình tăng tới 40% so với quý 1/2024 đã giúp hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi heo có kỳ kinh doanh rực rỡ.

Kể từ đầu năm 2025, giá heo hơi trung bình toàn quốc gần như chưa lúc nào xuống dưới mức 70,000 đồng/kg. Trong quý 1, thậm chí đã có lúc mức giá chạm đến 80,000 đồng/kg vào tháng 3, trước khi quay đầu về mức 75,000 đồng/kg.

Điều này trái ngược với quý 1 cùng kỳ, khi giá heo trung bình chỉ rơi vào khoảng 53,000-58,000 đồng/kg, tương ứng mức tăng lên tới gần 40%.

Diễn biến giá heo hơi trung bình cả nước từ 2023 đến nay
Nguồn: BAF

Đứng sau mức tăng này là nguồn cung heo giảm sút. Phần lớn là do dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi (ASF) diễn biến phức tạp với hàng ngàn ổ dịch mới. Nông dân và thậm chí cả các công ty lớn phải bán heo chạy dịch, làm giá giảm trong ngắn hạn và gây áp lực đến nguồn cung. Cùng với đó, ảnh hưởng từ cơn bão Yagi vào tháng 10/2024 khiến nhiều chuồng trại bị phá hỏng, làm chậm tốc độ tái đàn của nông hộ. Đặc biệt, Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ đầu năm 2025 đã tạo ra cuộc “đại di dời” đối với các cơ sở chăn nuôi không đủ tiêu chuẩn cũng gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung heo, qua đó tác động đến giá bán.

Việc giá heo tăng mạnh và neo cao tạo ra thuận lợi rất lớn cho nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo, bởi mức giá này đảm bảo cho họ khoản lợi nhuận lớn. Thống kê từ VietstockFinance, đa phần các doanh nghiệp chăn nuôi heo đều đạt kết quả tăng mạnh trong quý 1, có bên thậm chí công bố lợi nhuận kỷ lục.

Kết quả kinh doanh nhóm chăn nuôi heo trong quý 1/2025

Dẫn đầu tăng trưởng là Dabaco (HOSE: DBC) với khoản lãi ròng hơn 508 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Dù quả thực mức nền cùng kỳ tương đối thấp, nhưng đây cũng là khoản lợi nhuận quý cao nhất của “trùm chăn nuôi” từ trước tới nay.

Doanh nghiệp cho biết, tình hình dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, người chăn nuôi và bản thân Dabaco đã đẩy mạnh tái đàn. Bên cạnh đó là giá heo cao hơn, cùng một số lĩnh vực cũng được cải thiện để tăng lợi nhuận như mảng dầu thực vật. Đây là các nguyên nhân giúp lợi nhuận DBC tăng mạnh.

Mảng nông nghiệp của Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng trải qua kỳ tăng mạnh với 407 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp đôi cùng kỳ. Được biết, HPG hiện đang chiếm thị phần hàng đầu về trứng gà tại miền Bắc, sở hữu đàn heo nái gần 25,000 con. Tại ĐHĐCĐ 2025, Chủ tịch Trần Đình Long tiết lộ: nông nghiệp là mảng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất của Hòa Phát trong năm 2024 và riêng đàn nái 25,000 con này mang về 125 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 1/2025.

Trong khi đó, “heo ăn chay” BAF chỉ tăng lãi 11%, đạt 132 tỷ đồng, doanh thu thậm chí đi lùi. Tuy nhiên, việc doanh thu giảm lại là tín hiệu tích cực, vì BAF đã cắt giảm gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, có nghĩa doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2025 gần như chỉ tới từ chăn nuôi heo. Sản lượng heo bán ra trong kỳ của BAF đạt hơn 160,000 con, trong đó heo thịt chiếm đa số, ghi nhận tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ.

Tình hình kinh doanh của BAF

Bên cạnh đó, mức chênh lợi nhuận có thể đã lên tới 3.4 lần nếu không nhờ quý 1 cùng kỳ có khoản thu hơn 100 tỷ đồng nhờ bán mảnh đất ở Mai Chí Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Nếu chỉ tính riêng lợi nhuận mảng chăn nuôi, đây là mức cao kỷ lục của BAF kể từ khi lên sàn.

HAG của bầu Đức là trường hợp cá biệt. Dù lợi nhuận tăng mạnh 59%, lên 341 tỷ đồng, nhưng đóng góp phần lớn lại từ kinh doanh chuối (đạt gần 1 ngàn tỷ đồng, chiếm 72% doanh thu thuần, tăng 12%). Trái lại, mảng heo chỉ đạt 76 tỷ đồng doanh thu, chia 3.8 lần so với cùng kỳ.

Được biết, HAG đã giảm quy mô đàn trong giai đoạn 2022-2023, do giá heo sụt giảm. Tuy nhiên, theo tài liệu ĐHĐCĐ 2025, Doanh nghiệp đã tập trung tái đàn trong năm 2024. Và theo Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tiết lộ, thành quả sẽ tới trong năm nay.

2 doanh nghiệp mảng chế biến là Vissan (UPCoM: Vissan) và Masan MeatLife (UPCoM: MML) đón nhận kết quả trái ngược. Vissan ghi nhận lợi nhuận giảm 36%, còn 19 tỷ đồng, vì giá heo hơi đầu vào và chi phí thuê đất tăng cao so với cùng kỳ, làm biên lợi nhuận giảm đi. Trái lại, MML lãi ròng tới 116 tỷ đồng, tiến xa so với khoản lỗ 43 tỷ đồng năm trước. Nguyên nhân nhờ các mảng thịt mát, thịt chế biến và trang trại đều tăng trưởng doanh thu, trong khi Doanh nghiệp cũng tối ưu được chi phí sản xuất.

Giá heo khó giảm

Trong buổi tiếp xúc với nhà đầu tư quý 1/2025 vào ngày 9/5, Phó Tổng Giám đốc BAF - ông Ngô Cao Cường cho rằng: giá thịt heo tại Việt Nam khó lòng xuống dưới mức 60,000 đồng/kg được, mà nhiều khả năng sẽ tăng lên mức 80,000 đồng/kg. Nguyên nhân do hiện tại, tình hình dịch bệnh, đặc biệt là ASF, đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ dù có thể làm tăng thịt heo nhập khẩu, nhưng gần như không ảnh hưởng đến giá vì thói quen tiêu dùng của thị trường Việt.

Giá heo nhiều khả năng tiếp tục bay cao trong năm 2025. Ảnh minh họa

“Dịch phức tạp sẽ làm dân bán ồ ạt và tăng cung, khiến giá giảm. Nhưng khi bán hết heo, cung giảm, giá sẽ cao trở lại. Việt Nam hiện tại đã mất khoảng 20 - 30% tổng đàn, người dân chưa thể tái đàn vì chi phí con giống cao, trong khi các công ty lớn như BAF thì không bán con giống ra ngoài” - theo Phó TGĐ BAF.

"Việc tăng nhập khẩu thịt heo, thực tế người Việt rất ít khi đi ăn thịt heo đông lạnh, ngoại trừ các kênh như horeca. Heo nhập về chắc chắn là heo đông lạnh, giá sẽ thấp, nhưng ít người ăn. Thậm chí, ngay cả thịt mát cũng tỏ ra khó truyền thông đến người dùng. Do vậy, thịt heo nhập từ Mỹ hay các nước khác sẽ không ảnh hưởng đến thị trường".

Châu An

FILI - 09:00:00 17/05/2025