Chủ tịch Gỗ An Cường: Không nhức đầu vì thuế quan Mỹ, lạc quan khi ngành địa ốc phục hồi
Tại Đại hội thường niên tổ chức sáng ngày 08/05, ông Lê Đức Nghĩa tự tin rằng Gỗ An Cường (HOSE: ACG) có thể bù đắp được doanh thu mất đi từ thị trường Mỹ. Hãng gỗ hiện vẫn đang đẩy nhanh sản xuất để giao hàng cho khách trong thời gian tạm hoãn thuế quan đối ứng, đồng thời sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Tại Đại hội, Chủ tịch Lê Đức Nghĩa cho biết thị trường Mỹ chỉ đóng góp 12% trong tổng doanh thu của An Cường. Trong trường hợp thuế quan quá cao dẫn đến đánh mất thị trường, ông cho rằng Doanh nghiệp có khả năng bán hàng sang các quốc gia khác như Canada, Nhật, UAE hay khu vực Đông Nam Á.
“Ít nhất chúng ta có thể lấy lại 70% (doanh số xuất khẩu sang Mỹ)… thì tôi nghĩ cũng không có gì nhức đầu” – ông Nghĩa tự tin.
Ở hiện tại, An Cường thực tế vẫn đang cấp tập sản xuất cho kịp đơn hàng giao đi Mỹ giữa bối cảnh thuế quan đối ứng được tạm hoãn. Đại diện hàng gỗ cũng nói rằng họ đã giảm giá cho khách hàng để chia sẻ những khó khăn về cước tàu gia tăng, cùng với đó là chiết khấu hàng bán và giảm giá vì mức độ cạnh tranh trên thị trường.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của An Cường được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng ngày 08/05 - Ảnh chụp màn hình |
Trả lời chất vấn từ cổ đông, ông Nghĩa khẳng định không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay dù đối mặt nguy cơ từ thuế quan của Mỹ. Cho năm 2025, An Cường đặt kế hoạch doanh thu 4.05 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 7% so với năm trước.
Chủ tịch Nghĩa tỏ ra lạc quan về khả năng đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ. Ông kỳ vọng một mức thuế đối ứng thấp hơn khi xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Tôi nói chuyện với đối tác Mỹ thì (mức thuế quan) 15-20% thì… dù không tốt được như trước nhưng vẫn làm được. 25% là hơi nhức đầu, 20% là được và 15% là tốt nhất.”
“Quý vị cũng yên tâm, đừng hoang mang quá bởi thực sự thị trường Mỹ vẫn rất cần chúng ta” – ông Nghĩa chia sẻ.
Chờ gió Đông ở thị trường địa ốc
Trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu đón gió ngược, thị trường nội địa lại mang lại hy vọng cho nhà điều hành An Cường. Theo ông Nghĩa, từ đầu năm đến nay, mức chào hàng của Công ty vào các dự án bất động sản ở Việt Nam tăng gấp 4 lần so với năm trước.
“Đất nước chúng ta đang thay đổi một cách chóng mặt. Rồi việc tháo gỡ các dự án là cơ hội rất lớn” – ông nói.
Chủ tịch An Cường lưu ý rằng kết quả kinh doanh của Công ty sẽ chỉ bắt đầu khởi sắc rõ nét vào năm 2026-2027, bởi cần thời gian để các dự án địa ốc xây dựng trước khi đến công đoạn thi công nội thất.
Tại cuộc họp vào sáng thứ Năm, ông Nghĩa gọi những năm gần đây là “máu và nước mắt”. Hàng loạt biến cố đã xảy ra, từ đại dịch COVID cho đến sự đóng băng của thị trường địa ốc đã cản trở đà phát triển của An Cường và cả ngành sản xuất nói chung.
Thời gian qua, An Cường đã cố gắng khai thác kênh xuất khẩu và bán lẻ để bù đắp nguồn doanh thu mất đi từ các dự án địa ốc. Đến nay, ông Nghĩa cho rằng Công ty may mắn khi kênh xuất khẩu đột ngột gặp khó thì thị trường bất động sản có cơ hội quay trở lại.
Theo vị Chủ tịch, hàng chục tỷ USD đang tồn đọng tại các dự án bất động sản, trong khi Chính phủ và Quốc hội đang tháo gỡ rất triệt để.
“Như tôi nói, từ đầu năm đến giờ chúng ta chào vào các dự án tăng chóng mặt... Và tôi cũng nói điểm rơi nội thất cho An Cường phải là cuối năm 2025, hoặc cuối năm 2026-2027” – ông Nghĩa cho biết.
Thừa Vân