Quy mô danh mục lập kỷ lục, tự doanh công ty chứng khoán đang cầm hàng gì?

date
27/05/2025 13:02

Quy mô danh mục lập kỷ lục, tự doanh công ty chứng khoán đang cầm hàng gì?

Các công ty chứng khoán đang có chiến lược tự doanh thế nào và sở hữu những tài sản tài chính, cổ phiếu nào trong danh mục?

Quy mô danh mục tự doanh, thể hiện qua số dư tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL), của các công ty chứng khoán (CTCK) liên tục tăng trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của VietstockFinance, tính đến cuối quý 1/2025, quy mô tài sản FVTPL đạt hơn 196 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Chỉ trong vòng 2 năm, kể từ quý 4/2022, khối tài sản FVTPL do CTCK nắm giữ đã tăng gần gấp đôi. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của khối CTCK.

Số dư tài sản FVTPL của khối CTCK tính đến cuối quý 1/2025
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong đó, Chứng khoán SSI dẫn đầu về quy mô với số dư tài sản FVTPL cuối quý 1 ở mức 46.3 ngàn tỷ đồng. Theo sau là Chứng khoán VNDirect (VND) với danh mục có giá trị 26.1 ngàn tỷ đồng.

3 công ty còn lại trong top 5 lần lượt là Chứng khoán VPBank (VPBankS), Chứng khoán VIX và Chứng khoán VPS đều có danh mục trên 10 ngàn tỷ đồng, lần lượt là 15.7 ngàn tỷ đồng, 12.6 ngàn tỷ đồng và 10.2 ngàn tỷ đồng.

Top 20 CTCK có số dư FVTPL lớn nhất cuối quý 1/2025
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Theo dõi nhóm dẫn đầu về quy mô tài sản FVTPL, có thể thấy các xu hướng phân bổ danh mục của CTCK.

Đứng đầu về quy mô tài sản FVTPL, SSI đang nắm hơn 1.4 ngàn tỷ đồng cổ phiếu và chứng khoán niêm yết, 1.3 ngàn tỷ đồng cổ phiếu phòng ngừa rủi ro CW. Phần lớn khối tài sản FVTPL của Công ty nằm ở 27.4 ngàn tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và 16.3 ngàn tỷ đồng trái phiếu.

VND đang nắm giữ khối trái phiếu chưa niêm yết với giá trị gần 11.5 ngàn tỷ đồng. Khoản mục có tỷ trọng lớn thứ 2 là chứng chỉ tiền gửi với giá trị hơn 8 ngàn tỷ đồng. Công ty nắm giữ lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ với giá trị 3.4 ngàn tỷ đồng; trong đó tập trung vào cổ phiếu VPB, STB, CTG.

Ở danh mục FVTPL, VBankS cũng tập trung vào trái phiếu chưa niêm yết (8.4 ngàn tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (4.6 ngàn tỷ đồng). Mặt khác, Công ty nắm giữ 1.6 ngàn tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, chiếm hơn 60% giá trị danh mục cổ phiếu. VPBankS ghi nhận danh mục tài sản AFS hơn 900 tỷ đồng trái phiếu niêm yết.

Chứng khoán VIX có danh mục tập trung vào cổ phiếu niêm yết (gần 6 ngàn tỷ đồng) và 3.7 ngàn tỷ đồng ủy thác đầu tư. Công ty cũng nắm 1.1 ngàn tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết.

Trong khi đó, danh mục của VPS hầu hết nằm ở công cụ thị trường tiền tệ với giá trị 9.7 ngàn tỷ đồng, chiếm 95% giá trị danh mục.

Tương tự SSI hay VPS, một số CTCK đi theo chiến lược phân bổ tập trung vào các lớp tài sản rủi ro thấp như tiền gửi hay giấy tờ có giá. Chứng khoán Kafi nắm 7.3 ngàn tỷ đồng giấy tờ có giá và tiền gửi có kỳ hạn, tương đương gần 80% tỷ trọng danh mục FVTPL. Chứng khoán VCBS nắm 3.1 ngàn tỷ đồng hợp đồng tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi, chiếm 45% danh mục.

Tương tự, gần 97% giá trị danh mục FVTPL của Chứng khoán DSC là chứng chỉ tiền gửi, giá trị 2.2 ngàn tỷ đồng. Chứng khoán AIS cũng nắm hơn 2 ngàn tỷ đồng công cụ thị trường tiền tệ gồm chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi có kỳ hạn.

Nhóm CTCK phân bổ mạnh vào lớp tài sản rủi ro thấp

 

Có chiến lược khác biệt, một số CTCK có danh mục cổ phiếu khá mạnh. Chứng khoán SHS có danh mục tài sản FVTPL tập trung phần lớn vào cổ phiếu. Trong đó, Công ty thuyết minh chi tiết một số khoản đầu tư nổi bật như GEX, FPT, HPG, TCB, CTG. Ngoài ra còn gần 4.3 ngàn tỷ đồng cổ phiếu khác.

Danh mục của Chứng khoán HSC tập trung nhiều ở cổ phiếu (hơn 2.1 ngàn tỷ đồng) và trái phiếu (5 ngàn tỷ đồng). Một số cổ phiếu nổi bật như PVT, GEX, VPB, VNM, VHC… Còn với trái phiếu, Công ty tập trung vào các trái phiếu của ngân hàng gồm BID, MBB, CTG.

Hay như Chứng khoán ACB (ACBS) với danh mục cổ phiếu có giá trị hơn 2.3 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng nắm trên 900 tỷ đồng cổ phiếu cơ sở phòng ngừa rủi ro CW.

Một xu hướng phân bổ danh mục tự doanh nổi bật khác là tập trung vào trái phiếu. Chứng khoán BIDV (BSC) nắm 2.5 ngàn tỷ đồng trái phiếu (niêm yết và chưa niêm yết), chiếm 60% giá trị danh mục. Chứng khoán Mirae Asset nắm khối trái phiếu giá trị hơn 2.9 ngàn tỷ đồng, chiếm 80% danh mục FVTPL. Chứng khoán LPBS nắm hơn 3.3 ngàn tỷ đồng trái phiếu. Hay Chứng khoán TPS ghi nhận 1.5 ngàn tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, chiếm tỷ trọng gần 50%. Tương tự là Chứng khoán HD, Công ty nắm 1.6 ngàn tỷ đồng trái phiếu, bằng với 97% danh mục.

Chí Kiên

FILI - 12:00:00 27/05/2025