SII hậu thâu tóm (kỳ 3): Bản chất “khoản phải trả” và kế hoạch tương lai

date
28/05/2025 12:17

SII hậu thâu tóm (kỳ 3): Bản chất “khoản phải trả” và kế hoạch tương lai

Kỳ 3 sẽ làm rõ bản chất của các "khoản phải trả", bức tranh tổng thể về vai trò của các cổ đông lớn, cùng những chuyển động trong bộ máy lãnh đạo mới của SII và định hướng phát triển Công ty trong ngành nước.

Ngày 19/05, CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (UPCoM: SII) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và thay thế toàn bộ Ban Kiểm soát (BKS). Kết quả, ông Trịnh Đức Hoàng - do CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water, DPWC) đề cử - đã trúng cử vào HĐQT với tỷ lệ 51.05%. Trước đó ngày 13/02, HĐQT SII đã bổ nhiệm ông Hoàng giữ chức Phó Tổng Giám đốc từ ngày 14/02.

Ban Kiểm soát SII đã được thay thế toàn bộ với kết quả ông Aldrin Dano Nool - do Manila Water South Asia Holdings đề cử - trúng cử với tỷ lệ cao nhất 114.1%. Hai ứng viên do DNP Water đề cử là bà Giang Thị Ngọc Bích và bà Phạm Thị Loan cùng trúng cử với tỷ lệ 76.58%. Riêng bà Huỳnh Thị Bảo Trâm - Thành viên BKS cũ và là ứng viên của Viac (No.1) Limited Partnership chỉ đạt 33.74% phiếu bầu nên không vào BKS nhiệm kỳ mới.

Cũng tại đại hội bất thường này, SII đã bổ sung thêm 3 nội dung trình cổ đông gồm (1) thông qua xem xét, xử lý vi phạm của Thành viên BKS (theo tờ trình số 12 của HĐQT ngày 19/05/2025); (2) thông qua báo cáo giải trình về quá trình kiểm tra, giám sát và ban hành báo cáo ngày 25/01/2025 của BKS; (3) thông qua báo cáo của BKS SII ngày 11/04/2025.

Kết quả biểu quyết với nội dung (1) được tán thành với tỷ lệ 51.05%, không tán thành chiếm 48.95%; nội dung (2) và (3) được tán thành cùng với tỷ lệ 48.95% và không tán thành là 51.05%.

Việc xem xét vi phạm của hai Thành viên BKS cũ là bà Azerina Macalinga Bundoc và bà Huỳnh Thị Bảo Trâm. Theo tài liệu được cung cấp tại đại hội, hai Thành viên này đã vi phạm quy định khi sử dụng chức danh không đúng thẩm quyền và yêu cầu dừng chi tiền của Công ty mà không có ủy quyền hợp pháp từ BKS, vi phạm nguyên tắc làm việc tập thể.

SII hiện có 3 cổ đông lớn nắm giữ đến 99.5% vốn điều lệ

Bản chất các khoản phải trả dài hạn đối với hai cổ đông ngoại

Manila Water và VIAC tham gia vào SII từ trước năm 2015, với tỷ lệ sở hữu đáng kể 49% và từng có 4/7 ghế trong HĐQT. Manila Water là công ty lâu đời từ Philippines, có kinh nghiệm quốc tế và nguồn vốn từ các ngân hàng. Còn VIAC là một quỹ đầu tư thuộc sở hữu của Ủy ban Đầu tư Quốc gia Oman.

Năm 2015, SII thành lập Công ty TNHH Cấp thoát Nước Củ Chi (nhằm đầu tư dự án nhà máy nước Củ Chi) với tỷ lệ vốn góp 99.98%. Sau đó, SII đã chuyển nhượng 49% vốn Củ Chi, chia đều cho Manila Water và VIAC, giảm sở hữu còn 50.98%.

Dự án được kỳ vọng lớn tại thời điểm ra đời với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,662 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đã liên tục thua lỗ từ năm 2015, buộc các khoản đầu tư khác của SII như Tân Hiệp quay về hỗ trợ Củ Chi.

Giai đoạn 2022-2023, DNP Water bắt đầu tham gia vào SII khi nhận mua cổ phần từ CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII). Trên thực tế, DNP Water bắt đầu có mối quan hệ với SII từ năm 2017 khi Công ty chi ra hơn 120 tỷ đồng để mua CTCP Cấp thoát Nước Cần Thơ từ SII.

Năm 2023, DNP Water còn cho SII vay dài hạn gần 340 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động (thời hạn 12 tháng, đáo hạn vào 25/01/2025, lãi suất cố định 11.5%/năm, không có tài sản bảo đảm).

Tháng 1/2024, DNP Water hoàn tất nắm 50.6% vốn SII.

Trong khi đó, 2 cổ đông còn lại của SII là Manila Water và VIAC, cũng là cổ đông trực tiếp của dự án nhà máy nước Củ Chi từ 2015. Sau đó, hai cổ đông ngoại muốn hoán đổi cổ phần Củ Chi thành cổ phần SII, tức một khoản đầu tư vào công ty bình thường sang công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Tháng 11/2023, SII họp ĐHĐCĐ bất thường và ra Nghị quyết 02/2023/SGW/ĐHĐCĐ-NQ, trong đó có nội dung thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần mới phát hành của SII, thời gian thực hiện không quá ngày 01/02/2025; và nhận chuyển nhượng cổ phần Cấp thoát Nước Củ Chi từ 2 cổ đông ngoại.

Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2023

BCTC kiểm toán 2023 của SII ghi nhận “khoản phải trả người bán dài hạn” đối với 2 cổ đông Manila Water và VIAC mỗi bên 154.4 tỷ đồng. Đây chính là khoản phải trả cho các bên liên quan đến hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Cấp thoát Nước Củ Chi.

Tại ngày phát hành BCTC kiểm toán 2024 (28/03/2025) các bên vẫn thảo luận về phát hành cổ phần mới SII. Tính tới cuối tháng 3/2025, giá trị 2 khoản phải trả với 2 cổ đông ngoại vẫn không đổi. Có thể xem bản chất “khoản phải trả” này là một tài sản chờ hoán đổi.

Thoái vốn Tân Hiệp và kế hoạch đầu tư

Trở lại với Nhà máy nước Tân Hiệp, đây là nhà máy nước bán buôn đã hoạt động từ năm 2005, không có thêm đầu tư mới, không có tăng trưởng nhưng vẫn tạo ra dòng cổ tức ổn định. Việc thoái vốn khỏi Tân Hiệp theo SII là nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho các kế hoạch đầu tư phát triển của Công ty và thanh toán một phần công nợ.

Thời điểm quyết định thoái vốn, Tân Hiệp là tài sản sinh lợi tốt nhất bởi nhà máy ở Củ Chi vẫn đang lỗ và không có nguồn lực đầu tư dự án mới.

Quyết định thoái vốn khỏi Tân Hiệp cũng được DNP Water (Công ty mẹ SII) cho biết, đây là một hoạt động cụ thể trong chiến lược chung của DNP Water chỉ tập trung vào các đơn vị thành viên có quyền chi phối và thoái vốn khỏi các khoản đầu tư liên kết đã có hiệu quả tốt. Nguồn lực sau thoái vốn sẽ được ưu tiên huy động tham gia xây dựng các dự án lớn hơn mà Công ty đang theo đuổi là dự án Vùng 1 có công suất 2 giai đoạn 600,000m3/ngày đêm – xây hạ tầng cấp nước thô cho 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An và nhà máy hạ tầng cấp nước công suất 600,000 m³/ngày/ngày đêm cho bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Trong đó nhà máy Vùng 1 có tổng mức đầu tư 1,200 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 6 năm nay; Nhà máy còn lại tổng mức đầu tư 3,500-4,000 tỷ đồng. Theo DNP Water, đầy là hai dự án nhằm giải quyết căn cơ hiện trạng sử dụng tài nguyên nước ngầm quá mức gây sụt lún và xâm nhập mặn, hạn hán tại các khu vực cấp nước.

Ngoài ra, trong năm Công ty dự kiến khởi công nhà máy nước ở Trảng Bàng với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, giải quyết vấn đề nước ngầm và nước mặt ở khu vực này.

Theo tìm hiểu, liên quan tới nhà máy nước An Khê bị BIDV rao bán nợ, giữa năm 2016, SII thành lập CTCP Nước Sài Gòn – An Khê (SAW) để thực hiện dự án nhà máy nước trên địa bàn thị xã An Khê và các vùng phụ cận tỉnh Gia Lai. Vốn điều lệ ban đầu 40 tỷ đồng, SII góp 51%. Giữa năm 2017, BIDV cho SII vay 119 tỷ đồng trong vòng 10 năm. Tháng 7/2018, nhà máy An Khê chính thức đi vào hoạt động. Tháng 3/2020, SII giảm sở hữu SAW xuống 49%.

Trước áp lực khoản vay, BIDV đã yêu cầu cổ đông sáng lập nâng vốn cho SAW. Tới cuối 2024, SII sở hữu 77.33% SAW sau khi mua thêm 5 triệu cp mới. SII thừa nhận sự khó khăn của dự án này, nhưng với cam kết trách nhiệm xã hội, Công ty vẫn tiếp tục hỗ trợ.

* SII hậu thâu tóm (kỳ 1): Bán tài sản tốt rồi đem tiền cho vay

* SII hậu thâu tóm (kỳ 2): Mang tiền cho vay và đầu tư vào một công ty chìm trong nợ

TM

FILI - 11:15:49 28/05/2025