Lãi suất thấp có ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh ngân hàng?

date
26/03/2025 11:02

Lãi suất thấp có ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh ngân hàng?

Lãi suất thấp chắc chắn sẽ có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2025, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy vào chiến lược, mô hình hoạt động và khả năng thích ứng của từng ngân hàng.

Ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng cao cho năm 2025

Dù vẫn phải giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiều ngân hàng vẫn đề ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2025.

Gần đây nhất, PGBank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025, tổng tài sản tăng trưởng từ 15-20% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Đáng chú ý, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 716 tỷ đồng, tăng đến 70% so với kết quả năm 2024.

OCB đặt ra mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt 316,779 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tổng huy động thị trường 1 đạt 218,842 tỷ đồng, tăng 14%; trong khi tổng dư nợ thị trường 1 đạt 208,472 tỷ đồng, tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%. OCB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 5,338 tỷ đồng, tăng 33% so với kết quả đạt được năm 2024.

Trong khi đó, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 là 11,020 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2024. Kế hoạch tổng tài sản đạt 600,350 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2024; tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 22%; huy động vốn tăng 26%.

Nam A Bank (NAB) đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng tài sản đạt 270,000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 209,000 tỷ đồng, tăng 17%; dư nợ cho vay cá nhân và tổ chức kinh tế đạt 194,000 tỷ đồng, tăng 16%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 2.5%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu đạt 5,000 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2024.

Eximbank (EIB) đặt mục tiêu năm 2025 huy động vốn đạt 206,000 tỷ đồng, tăng gần 16%; dư nợ tín dụng đạt 195,500 tỷ đồng, tăng hơn 16%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5,580 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024.

HDBank (HDB) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 cao hơn năm 2024; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát mức dưới 2%; lợi nhuận trước thuế năm nay kỳ vọng đạt trên 20,000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước.

Năm 2025, SeABank (SSB) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15%; tổng tài sản kỳ vọng tăng trưởng 10%; lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng gần 10%.

VPBank (VPB) cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mức tăng trưởng lợi nhuận là 20-25% và có thể cao hơn nếu tình hình kinh tế diễn biến tích cực. Ước tính từ con số lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 là 20,013 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận năm nay của VPBank sẽ nằm trong khoảng 24,000-25,000 tỷ đồng.

Còn nhiều ngân hàng chưa công bố con số kế hoạch cụ thể cho năm 2025. Thế nhưng, có thể thấy, lãi suất thấp không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn kết quả kinh doanh của ngân hàng mà quan trọng là sự năng động, linh hoạt và chiến lược thích ứng của từng ngân hàng trong bối cảnh mới.

Lãi suất thấp tạo ra cả cơ hội và thách thức

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi - đánh giá, nếu nhìn nhận toàn cảnh, môi trường lãi suất thấp tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội đan xen và sự tăng trưởng của ngành vẫn có thể duy trì ở mức tích cực nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ vĩ mô.

Đầu tiên, môi trường lãi suất thấp sẽ có tác động đến biên lợi nhuận (NIM) và lợi nhuận ngân hàng. Biên lợi nhuận có thể bị thu hẹp do chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm. Đây là thách thức đối với những ngân hàng có mô hình kinh doanh tập trung chủ yếu vào hoạt động tín dụng truyền thống. Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ không giống nhau giữa các ngân hàng. Những ngân hàng có nền tảng dịch vụ tài chính đa dạng, có tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ cao và có danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ hợp lý sẽ có khả năng bù đắp sự suy giảm của NIM tốt hơn.

Thứ hai là động lực tăng trưởng tín dụng từ chính sách vĩ mô. Dù lãi suất thấp có thể gây áp lực lên lợi nhuận tín dụng, bối cảnh vĩ mô của năm 2025 lại mang đến những yếu tố hỗ trợ quan trọng.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8%, đồng thời định hướng tăng trưởng tín dụng 16% để thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế. Giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến nhiều lĩnh vực - từ bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng, đến sản xuất kinh doanh. Dòng vốn FDI giải ngân mạnh, kéo theo nhu cầu tín dụng gia tăng từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp và cá nhân sẽ có xu hướng mở rộng đầu tư, kinh doanh nhờ chi phí vốn rẻ hơn, kích thích nhu cầu vay vốn và sử dụng các dịch vụ tài chính.

Như vậy, dù biên lợi nhuận từ tín dụng có thể giảm, sự gia tăng về khối lượng tín dụng sẽ giúp bù đắp, thậm chí tạo ra mức tăng trưởng tích cực cho ngân hàng.

Thứ ba là sẽ ảnh hưởng đến huy động vốn và thanh khoản. Lãi suất thấp có thể làm giảm sức hấp dẫn của tiền gửi ngân hàng, đặc biệt là tiền gửi dài hạn. Một phần dòng tiền nhàn rỗi có thể dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào nhờ các chính sách điều hành linh hoạt của NHNN, áp lực huy động vốn sẽ không quá lớn. Những ngân hàng có hệ sinh thái tài chính rộng, có khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau (tiền gửi không kỳ hạn, phát hành trái phiếu, hợp tác với quỹ đầu tư…) sẽ có lợi thế hơn trong việc kiểm soát chi phí vốn.

Thứ tư, tạo ra cơ hội từ dịch vụ tài chính phi tín dụng. Khi lãi suất thấp và nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ, nhu cầu về các sản phẩm tài chính khác ngoài tín dụng cũng sẽ gia tăng.

Thứ năm, thúc đẩy quản trị rủi ro và chất lượng tín dụng. Một mặt, lãi suất thấp giúp giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp và cá nhân, từ đó hỗ trợ kiểm soát nợ xấu. Nhưng mặt khác, khi tín dụng tăng nhanh trong môi trường lãi suất thấp, nếu các ngân hàng không kiểm soát tốt chất lượng giải ngân, rủi ro nợ xấu trong trung và dài hạn có thể gia tăng. Do đó, quản trị rủi ro, phân tích tín dụng và kiểm soát chất lượng danh mục cho vay sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự ổn định của hệ thống.

Cuối cùng, tác động tích cực đến thị trường tài chính và giá cổ phiếu ngân hàng. Lãi suất thấp thường có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, giúp cải thiện định giá của cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư lo ngại về biên lợi nhuận giảm, định giá cổ phiếu ngân hàng có thể chịu áp lực trong ngắn hạn. Những ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt, đa dạng hóa thu nhập hiệu quả và kiểm soát rủi ro tốt sẽ tiếp tục hấp dẫn dòng vốn đầu tư.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng - đánh giá, việc lãi suất huy động thấp cũng dẫn tới việc các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, các ngân hàng luôn tìm cách giữ biên độ lợi nhuận khoảng 3%, do đó việc giảm lãi suất thấp cũng chưa chắc sẽ làm lợi nhuận ngân hàng giảm đi.

Nếu giữ lãi suất cho vay thấp, người dân sẽ vay nhiều hơn, ngân hàng có thể thu được lãi nhiều hơn. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay không đảm bảo là lợi nhuận ngân hàng sẽ thấp.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TPHCM - cũng cho rằng, lợi nhuận ngân hàng vẫn sẽ tăng, nhưng sẽ có sự phân hóa. Ngân hàng lớn lợi nhuận vẫn cao, trong khi ngân hàng nhỏ có thể gặp khó khăn hơn, vì NIM bị giảm. Song song đó, ngân hàng nhỏ cũng bị chậm hơn trong việc chuyển đổi số để cắt giảm chi phí hoạt động, nên lợi nhuận cũng giảm hơn so với những ngân hàng lớn. Nhưng nhìn chung, tổng lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng so với các năm trước.

Cát Lam

FILI - 10:00:00 26/03/2025