Bán tháo chưa dừng, Hang Seng giảm hơn 13%, Shanghai tụt 7%, nhiều thị trường ngắt mạch giao dịch

date
07/04/2025 15:40

Bán tháo chưa dừng, Hang Seng giảm hơn 13%, Shanghai tụt 7%, nhiều thị trường ngắt mạch giao dịch

Làn sóng bán tháo cổ phiếu toàn cầu đã tăng tốc chóng mặt vào ngày 07/04 giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp trả đũa thuế quan của Mỹ.

Từ Sydney đến Mumbai, các thị trường cổ phiếu lao dốc không phanh, kéo chỉ số chứng khoán châu Á giảm tới 7.9% - mức sụt giảm trong ngày tồi tệ nhất trong hơn 16 năm qua.

Trên Phố Wall, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu của cả Mỹ và châu Âu cũng tiếp tục giảm, với Dow Jones tương lai giảm hơn 1,200 điểm (tương đương 3.16%). Còn giá dầu giảm xuống dưới mốc 60 USD/thùng.


Nguồn:

Giữa bối cảnh bất ổn, giới đầu tư tìm tới các “vịnh trú ẩn an toàn” truyền thống như trái phiếu Chính phủ Mỹ, đồng Yên Nhật và Franc Thuỵ Sĩ. Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) tại châu Á tăng mạnh nhất kể từ thời điểm đại dịch COVID-19 năm 2020.

Tại Hồng Kông, chỉ số chứng khoán Hang Seng khép phiên giảm hơn 13%, mức giảm mạnh nhất trong hơn 16 năm sau khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế 34% lên tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ. Chỉ số công nghệ tại thành phố này lao dốc tới 17%, trong khi chỉ số cổ phiếu Đài Loan chứng kiến đợt giảm mạnh nhất trong lịch sử và có lúc phải kích hoạt cơ chế "ngắt mạch" tạm thời.

Ở Trung Quốc, chỉ số CSI 300 giảm 7.05%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2024, còn chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 7.83% xuống đáy 18 tháng. 

Những diễn biến này phản ánh nỗi lo ngại ngày càng sâu sắc trên thị trường khi Trump đang nỗ lực định hình lại bức tranh thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Washington. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, các chiến lược gia cổ phiếu liên tục hạ dự báo trong khi các nhà đầu tư vẫn hết sức thận trọng trước tác động của cuộc chiến thuế quan qua lại.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ không vội vàng phản ứng với các biện pháp thuế quan, nhưng lo ngại các biện pháp này có thể gây tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ, bao gồm tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao hơn.

"Chúng tôi dự đoán thuế quan sẽ tiếp tục tác động mạnh trong tuần này”, Win Thin từ Brown Brothers Harriman nhận định.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Trump báo hiệu sẽ không thay đổi chính sách bất chấp làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán.

"Với thông điệp này, các thị trường cổ phiếu nhiều khả năng sẽ tiếp tục bán tháo và trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá”, ông Win Thin cho biết.

Kích hoạt cơ chế "ngắt mạch"

Hiện nhiều dấu hiệu cho thấy đợt bán tháo đã bắt đầu gây rối loạn hoạt động bình thường của thị trường. Nhật Bản và Đài Loan đã phải kích hoạt cơ chế "ngắt mạch" do mức độ tổn thất quá lớn.

Những tên tuổi lớn trên Phố Wall như Bill Ackman và Stanley Druckenmiller đã không ngần ngại chỉ trích quyết định áp thuế đối ứng của Trump.

* Các "sói già Phố Wall" phản đối thuế đối ứng của Trump, Bill Ackman đề xuất hoãn 90 ngày

Dù vậy, Trump và đội ngũ kinh tế của ông đã bác bỏ hoàn toàn nỗi lo của các nhà đầu tư về lạm phát và suy thoái, không hề tỏ ra hối tiếc về tình trạng hỗn loạn thị trường do chính sách thuế quan toàn cầu gây ra và vẫn kiên quyết khẳng định một thời kỳ bùng nổ đang ở phía trước.

Phát biểu trên chuyên cơ Không lực Một vào ngày 06/04 (giờ Mỹ), Trump đã thể hiện thái độ kiên quyết và liên tục bảo vệ loạt thuế quan được công bố vào tuần trước. "Hãy quên thị trường đi một giây - chúng ta có tất cả các lợi thế”, Trump khẳng định.

Vào cuối tuần trước, S&P 500 đã chứng kiến hai ngày lao dốc tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 và vốn hoá thị trường “bốc hơi” hơn 5 ngàn tỷ USD. Nasdaq 100 thậm chí đã bước vào thị trường gấu.

Chỉ số đo lường nỗi sợ trên Phố Wall, VIX, trong tuần trước đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ những ngày đầu COVID năm 2020.

"Chúng ta đang chứng kiến giới đầu tư ‘giương cờ trắng’ đầu hàng”, Jun Bei Liu, nhà sáng lập quỹ đầu tư Ten Cap Pty chia sẻ. "Sự biến động này sẽ còn kéo dài một thời gian”.

"Các nhà giao dịch đang lo lắng theo dõi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đấu đá về thuế quan và lo sợ rằng cả hai có thể nhận những đòn giáng từ một cuộc chiến kinh tế kéo dài", Tim Waterer, nhà phân tích thị trường trưởng tại KCM Trade ở Sydney viết. "Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không có dấu hiệu lùi bước trong việc áp đặt thuế quan đáp trả. Trong môi trường leo thang này, không có gì ngạc nhiên khi thấy các tài sản rủi ro đang bị tránh né như dịch bệnh”.

Trung Quốc phát tín hiệu họ có đủ dư địa để nới lỏng chi phí vay và quy định dự trữ cho các ngân hàng nếu cần thiết để bảo vệ nền kinh tế trước thuế quan. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính và lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương có thể được cắt giảm bất cứ lúc nào, theo một bài bình luận trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đăng vào ngày 07/04.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã tuyên bố sẽ đến Mỹ càng sớm càng tốt để đề xuất một thỏa thuận toàn diện với Trump về thuế quan. Trước đó, tổng thống Mỹ từng nói rằng ông sẵn sàng giảm thuế quan nếu các quốc gia khác đưa ra điều gì đó "phi thường".

Bài cập nhật

* Trump ra điều kiện để giảm thuế quan

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI - 12:10:19 07/04/2025