Thủy sản quý 1/2025: Cá tra khởi sắc, tôm phân hóa

date
20/05/2025 10:02

Thủy sản quý 1/2025: Cá tra khởi sắc, tôm phân hóa

Quý 1/2025 khép lại với bức tranh tích cực hơn cho ngành thủy sản khi nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt ở nhóm cá tra.

Theo thống kê từ VietstockFinance, tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp thủy sản trên các sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt hơn 16.4 ngàn tỷ đồng, tăng 3.4% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng tăng trưởng hơn 50%, lên khoảng 518 tỷ đồng, chủ yếu từ sự tăng đột biến của Nam Việt.

Tuy nhiên, sự phân hóa tiếp tục hiện diện. Không ít doanh nghiệp vẫn đối mặt với thua lỗ do áp lực chi phí và thị trường xuất khẩu chưa hồi phục toàn diện.

Loạt doanh nghiệp cá tra tăng trưởng

Trong nhóm các doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra, Nam Việt (HOSE: ANV) lãi 132 tỷ đồng, gấp 7.8 lần so với quý 1/2024, dù doanh thu chỉ tăng 8.9% lên hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất của ANV trong hơn 2 năm qua, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng và giá bán cải thiện khi thị trường xuất khẩu phục hồi.

Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) thu về 193 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 14%, mặc dù doanh thu giảm nhẹ còn khoảng 2.6 ngàn tỷ đồng. Theo Doanh nghiệp, kết quả tích cực đến từ việc giá bán tăng trong khi chi phí nuôi giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Ở nhóm quy mô nhỏ hơn, nhiều cái tên cũng đạt mức tăng trưởng hiệu quả kinh doanh. Kiên Hùng (HNX: KHS) cho biết đã tận dụng tốt nguồn nguyên liệu nhập khẩu giá cạnh tranh và ổn định đầu ra ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ và EU, qua đó lợi nhuận tăng hơn 290%.

Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) công bố doanh thu tăng 34% và thu lợi nhuận gần gấp đôi, lên hơn 22 tỷ đồng, nhờ đơn hàng tăng và hoạt động kinh doanh duy trì ổn định.

Trường hợp Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI) báo cáo lợi nhuận tăng 93%, hơn 26.3 tỷ đồng, nhưng phần lớn nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh từ lãi tiền gửi và cổ tức từ công ty liên kết.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng mạnh so với cùng kỳ (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp

Nhóm tôm phân hóa

Trong khi cá tra cho thấy sự tích cực, nhóm doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đón nhận kết quả trái chiều.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) lãi gần 17.7 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ, dù doanh thu chỉ tăng 3.5%. “Vua tôm” cho biết hiệu quả sản xuất đã cải thiện tại các nhà máy chế biến, trong khi mảng nuôi tôm thương phẩm và tôm giống cũng có dấu hiệu khởi sắc.

Tương tự, Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCoM: THP) đạt kết quả tích cực với lợi nhuận tăng hơn 600%, lên hơn 3 tỷ đồng, trong bối cảnh doanh thu chỉ tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) dù doanh thu gần 2 ngàn tỷ đồng, tăng 36%; nhưng lãi ròng lại sụt 40%, còn khoảng 29.6 tỷ đồng, mức thấp nhất nhiều năm trở lại. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá nguyên liệu tăng cao và ảnh hưởng từ đơn hàng tồn đọng các kỳ trước.

Kết quả của Camimex Group (HOSE: CMX) không mấy tích cực khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm.

Ngành tôm nhìn chung tăng nhưng vẫn có ngoại lệ (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp

Một số chưa thể thoát khó khăn

Dù toàn ngành có kết quả tích cực hơn, vẫn có đến 5 doanh nghiệp báo lỗ. 

Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (UPCoM: AGF) tiếp tục lỗ 9.3 tỷ đồng. Nguyên nhân do doanh thu gia công và cho thuê kho sụt giảm, nhà máy hoạt động dưới công suất vì thiếu vốn lưu động, hệ quả của chuỗi năm kinh doanh không hiệu quả.

ICF, JOSSPD tiếp tục trong vùng thua lỗ. Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (UPCoM: SPD) cho biết dù sản lượng xuất khẩu tăng, giá trị đơn hàng tăng hơn 14%, nhưng chưa đạt được kỳ vọng trong kế hoạch cơ cấu sản phẩm, khiến vẫn lỗ 855 triệu đồng.

Tử Kính

FILI - 09:00:00 20/05/2025