Đồng USD trượt về đáy 3 năm

date
03/06/2025 15:30

Đồng USD trượt về đáy 3 năm

Thị trường tài chính Mỹ đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động trong ngày 02/06 khi đồng USD trượt về mức thấp nhất trong ba năm và trái phiếu Chính phủ chịu áp lực mạnh. Nguyên nhân chính đến từ dữ liệu kinh tế yếu kém và những cảnh báo gia tăng về tính bền vững của núi nợ khổng lồ.

Đồng bạc xanh đã giảm 0.7% so với rổ tiền tệ, về mức thấp nhất trong 3 năm - một cột mốc mà đồng tiền này đã chạm tới sau đợt công bố thuế quan “ngày giải phóng" của Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 4.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số S&P 500 ban đầu cũng giảm điểm sau khi dữ liệu khảo sát các nhà quản lý mua hàng trong lĩnh vực sản xuất của ISM cho thấy kết quả đáng thất vọng ở mức 48.5 cho tháng 5 - thấp hơn dự báo và trong phạm vi suy giảm (dưới 50). Tuy nhiên, chỉ số này sau đó đã lấy lại được đà và đóng cửa phiên với mức tăng 0.4%.

Gordon Shannon, nhà quản lý quỹ tại TwentyFour Asset Management, nhận định rằng dữ liệu ISM đã cung cấp "dấu hiệu rõ ràng về tác động của sự bất định về thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ".

Quan điểm này được Francesco Pesole, Chiến lược gia ngoại hối tại ING, ủng hộ. Ông cho rằng kết quả khảo sát của ISM đang tạo thêm áp lực lên đồng USD, được kết hợp bởi nhu cầu yếu đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ và sự leo thang trở lại trong căng thẳng thương mại.

Diễn biến của đồng USD

Thị trường trái phiếu cũng phản ánh rõ nét những lo ngại này. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm đã tăng 0.03 điểm phần trăm lên 4.97%. 

Trong ngày 01/06, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phải lên tiếng trấn an thị trường rằng nước Mỹ "không bao giờ vỡ nợ". Trước đó, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon đưa ra cảnh báo nghiêm trọng, khi ông cho rằng thị trường trái phiếu Mỹ có thể "vụn vỡ" dưới áp lực của gánh nợ ngày càng gia tăng từ Washington.

Trở lại với dữ liệu kinh tế, kết quả khảo sát ISM tháng 5 thể hiện sự suy giảm so với tháng trước và đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp của chỉ số này. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc chiến thương mại khó lường của ông Trump đang gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tình hình càng trở nên phức tạp khi Mỹ và Trung Quốc đã liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận đình chiến thuế quan trong những ngày gần đây.

Cuộc khảo sát cũng tiết lộ một vấn đề đáng lo ngại khác: Việc giao hàng đang chậm lại đáng kể. Chỉ số về thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, phản ánh những khó khăn trong chuỗi cung ứng.

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn và thuế RSM US, giải thích rằng "sự rối loạn trong các chính sách thương mại đang khiến việc tìm nguồn hàng hóa hiệu quả trở nên gần như bất khả thi đối với các nhà quản lý cung ứng". Ông cảnh báo: "Điều này cho thấy chúng ta có thể đối mặt với các tắc nghẽn trong sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu hàng".

Nhập khẩu cũng giảm mạnh và các nhà sản xuất phải sử dụng hàng tồn kho mà họ đã tích lũy trong vài tháng dự trữ trước các mức thuế thương mại mới.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng những kho dự trữ hàng này chỉ cung cấp một lớp bảo vệ tạm thời trước chi phí nhập khẩu tăng cao. Veronica Clark, nhà kinh tế tại Citi, nhấn mạnh: "Bạn chỉ có thể dựa vào lượng hàng tích trữ trước đó trong một khoảng thời gian nhất định".

Trong khi đó, thị trường hàng hóa đã có những phản ứng tích cực trước động thái mới của chính quyền Trump. Giá kim loại Mỹ tăng mạnh trong ngày 02/06 sau khi ông Trump thông báo tăng gấp đôi thuế với thép và nhôm lên 50%. Các mức thuế mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 04/06.

Vũ Hạo (Theo FT)

FiLi - 14:28:02 03/06/2025

Maybank Securities

Email dịch vụ khách hàng

customer.MSVN@maybank.com
Maybank Securities

Gọi dịch vụ khách hàng

02844555888