Cuộc chiến thương mại lần này khác gì với những lần trước?
Chính sách thương mại của Mỹ suốt hơn 200 năm luôn do Quốc hội kiểm soát và định hướng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã phá vỡ truyền thống đó khi tự mình đơn phương quyết định các biện pháp thương mại, đặc biệt là việc áp đặt và điều chỉnh thuế quan liên tục, không theo một trình tự rõ ràng.
Nếu cảm thấy những thông báo tăng giảm thuế của ông Trump là bất thường, thì điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi chưa từng có tiền lệ nào như vậy trong lịch sử Mỹ.
Giáo sư Douglas Irwin, nhà sử học kinh tế tại Đại học Dartmouth và tác giả cuốn sách “Clashing Over Commerce: A History of US Trade Policy” (Xung đột thương mại: Lịch sử chính sách thương mại của Mỹ) xuất bản năm 2017, nhận định rằng những gì đang diễn ra hiện nay vượt xa mọi chuẩn mực lịch sử. Chỉ duy nhất một vị Tổng thống đã dám mạo hiểm khơi mào một cuộc chiến thương mại toàn cầu đầu tiên kể từ thập niên 1930, khi nâng thuế quan lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ. Theo ông Irwin, đây là “một bước ngoặt lớn về mặt lịch sử”.
Ngay cả khi Tổng thống Trump tạm hoãn một số mức thuế trong 90 ngày và giữ lại mức thuế cơ bản 10% với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu, thì việc Tổng thống Mỹ hành động độc lập vẫn cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt so với truyền thống. Dù diễn biến tiếp theo của cuộc chiến thương mại ra sao, thì những va chạm đầu tiên của một cuộc chiến thương mại mới, gợi nhớ ký ức ám ảnh từ thời Đại Suy Thoái, đã thực sự bắt đầu trong thế kỷ 21.
Hệ quả của cuộc chiến thương mại này vẫn đang dần hiện rõ, nhưng những rủi ro tiềm ẩn là vô cùng lớn. Chúng bao gồm nguy cơ kéo nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái mới, cùng với những biến chuyển địa chính trị có thể gây bất lợi cho nước Mỹ, và tất cả đều bắt nguồn từ các quyết định thay đổi liên tục, khó lường của Tổng thống Mỹ.
Theo giáo sư Irwin, trong suốt chiều dài lịch sử, việc thay đổi chính sách thương mại của Mỹ luôn đòi hỏi nhiều thập kỷ để đạt được sự đồng thuận rộng rãi. Mỗi lần nước Mỹ điều chỉnh hướng đi, Quốc hội đều đóng vai trò trung tâm. Ngay cả khi Quốc hội bắt đầu trao cho Tổng thống quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại từ những năm 1930, thì chính Quốc hội vẫn là cơ quan xác định định hướng thuế quan và hướng đi chủ yếu khi đó là cắt giảm thuế.
Giờ đây, không còn nghi ngờ gì nữa, chính Tổng thống Trump đã đơn phương đưa nước Mỹ rẽ sang một hướng đi mới đầy bất trắc. “Đây là một dấu mốc có ý nghĩa lịch sử”, giáo sư Irwin nhận xét.
Trong quá khứ, chính những cuộc chiến tranh lớn thường là chất xúc tác cho các thay đổi quan trọng. Nội chiến nước Mỹ và Thế chiến I đã thúc đẩy Quốc hội thông qua các mức thuế cao hơn, sau những cuộc tranh luận kéo dài, và theo giáo sư Irwin, đó đều là những “bước ngoặt lớn” trong lịch sử chính sách thương mại của Mỹ. Sau đó, dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt, thuế quan bắt đầu được cắt giảm mạnh, và ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, như dưới thời Tổng thống Biden và nhiệm kỳ đầu của ông Trump, mức thuế này nhìn chung vẫn được giữ ở mức khá thấp.
“Nhưng hiện tại, chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thời bình”, Giáo sư Irwin nhận định. “Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất thấp, chỉ khoảng 4%. Không hề tồn tại một sự đồng thuận xã hội nào cho rằng thương mại là vấn đề nghiêm trọng. Thế nhưng, Tổng thống Trump đã thay đổi toàn bộ định hướng của chính sách thương mại Mỹ”.
Hệ lụy từ chính sách
Thị trường chứng khoán những ngày qua liên tục chao đảo, giảm điểm suốt nhiều phiên, rồi bất ngờ bật tăng mạnh vào ngày 09/04 sau khi có thông tin thuế đối ứng sẽ được tạm hoãn. Đây là phiên tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với chỉ số S&P 500 vọt lên 9.5%, phần nào bù đắp những thiệt hại mà nhà đầu tư đã phải gánh chịu từ đầu năm. Tuy nhiên, đà hưng phấn không kéo dài. Đến ngày 10/04, thị trường lại giảm 3.5%, trước khi hồi phục nhẹ với mức tăng 1.8% vào ngày 11/04.
Liệu thị trường có tiếp tục hồi phục hay quay lại vòng xoáy lo âu sẽ còn phụ thuộc vào những quyết định tiếp theo của Tổng thống Trump liên quan đến chính sách thuế quan, mà theo giới kinh tế, gần như có sự đồng thuận tuyệt đối rằng đây là một hướng đi sai lầm và tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Chuỗi thông báo về thuế quan từ Tổng thống đã khiến nhiều người lo ngại rằng giá cả sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Điều này làm gia tăng nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại toàn cầu, có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái và gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho người dân.
Thị trường chứng khoán đã liên tục biến động kể từ khi Tổng thống Trump công bố loạt mức thuế “đối ứng” trong tháng 4. Ảnh: Ashley Gilbertson – The New York Times
Sau khi Tổng thống công bố hoãn áp dụng một số mức thuế, Goldman Sachs lập tức điều chỉnh dự báo, hạ khả năng xảy ra suy thoái. Tuy nhiên, triển vọng mà họ đưa ra vẫn không mấy khả quan: “Chúng tôi quay trở lại dự báo cơ sở không xảy ra suy thoái, với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 0.5% và xác suất suy thoái vẫn ở mức cao 45%”.
Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả bằng các mức thuế của riêng mình. Tính đến ngày 10/04, Mỹ đã áp thuế lên đến 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, và đến ngày 11/04, Trung Quốc phản công bằng cách nâng thuế đối với hàng Mỹ lên 125%. Các cuộc đàm phán đang diễn ra với nhiều quốc gia, tuy nhiên Trung Quốc không nằm trong số đó, theo lời Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Ông cảnh báo: “Đừng trả đũa, và các bạn sẽ được tưởng thưởng”. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố tạm hoãn kế hoạch trả đũa trong vòng 90 ngày.
Sự phản đối từ Quốc hội đối với chính sách thương mại của ông Trump bắt đầu manh nha, chủ yếu đến từ phe Dân chủ tại Thượng viện. Họ đang cố gắng chấm dứt “tình trạng khẩn cấp quốc gia” mà Tổng thống sử dụng làm căn cứ pháp lý để áp thuế. Tuy nhiên, như một phóng viên Mỹ đã chỉ ra, khả năng để nỗ lực này sớm thành công là rất thấp. Ngay cả khi được Thượng viện thông qua, chưa chắc nghị quyết bãi bỏ thuế có thể tiến tới giai đoạn bỏ phiếu tại Hạ viện. Ngay cả khi nghị quyết đó được Hạ viện thông qua, Tổng thống Trump vẫn có quyền phủ quyết. Và trong bối cảnh chính trị hiện tại, việc Quốc hội đảo ngược phủ quyết đó bằng đa số 2/3 gần như là điều không tưởng.
Góc nhìn lịch sử
Những thay đổi đột ngột về thuế quan dưới thời Tổng thống Trump tuy bất thường, nhưng không phải tự nhiên mà xảy ra, chúng chỉ có thể diễn ra vì Quốc hội Mỹ đã từng bước chuyển giao quyền kiểm soát chính sách thương mại cho Tổng thống, bắt đầu từ năm 1934.
Hiến pháp Mỹ, cụ thể là Điều I, Mục 8, quy định rõ ràng rằng quyền áp thuế thuộc về Quốc hội.
Tuy nhiên, sự thống trị này đã thay đổi đáng kể sau Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, đạo luật được xem là nguyên nhân châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu và góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại Suy Thoái. Vào thời điểm đó, cũng như hiện nay, phần lớn các nhà kinh tế đều phản đối việc tăng thuế, và đã nhiều lần kêu gọi Tổng thống Herbert Hoover không ký ban hành đạo luật. Nhưng cuối cùng, ông vẫn ký thông qua.
Đạo luật tai hại đó là hệ quả của điều mà các nhà sử học gọi là thỏa thuận đổi chác chính trị trong Quốc hội, tức việc các nghị sĩ thương lượng, đổi chác lá phiếu để giành quyền lợi cho những dự án mà họ quan tâm. Đây từng là cách chính sách thương mại của Mỹ được định hình trong nhiều năm. Trong thập niên 1930, thuế quan Mỹ được nâng lên chủ yếu vì lý do trong nước, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa, mà không hề cân nhắc đến tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu.
Nhìn lại lịch sử, theo giáo sư Dale Copeland, Chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Virginia, các mức thuế cao trong thập niên 1930 chính là một trong những yếu tố chủ chốt dẫn đến những biến động nghiêm trọng trong trật tự thế giới. Khi đó, Anh và Pháp bắt đầu thu hẹp thương mại toàn cầu để quay về tập trung vào các đế chế thuộc địa của mình. Mỹ, lúc bấy giờ là một cường quốc đang trỗi dậy, cũng xây dựng phạm vi ảnh hưởng riêng.
Trong khi đó, Nhật Bản lại chưa có một đế chế thuộc địa như các quốc gia phương Tây. Theo giáo sư Copeland, chỉ một năm sau khi Đạo luật Smoot-Hawley có hiệu lực, Nhật Bản gần như mất phần lớn hoạt động thương mại. Điều đó khiến họ tin rằng cần phải tìm một hướng khác để tiếp cận các nguồn nguyên liệu thô, dầu mỏ và những hàng hóa thiết yếu, và chính điều đó đã thúc đẩy họ mở rộng ảnh hưởng sang Trung Quốc và Đông Nam Á. “Các hàng rào thuế quan đã tạo ra những căng thẳng quốc tế lớn cùng với những động lực sai lệch”, giáo sư Copeland nhận xét. “Đó là những bài học mà thế giới từng trải qua, và có lẽ giờ đây cần phải học lại”.
Ed Clissold, Chiến lược gia cấp cao tại Ned Davis Research, một công ty nghiên cứu tài chính độc lập, cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng các hệ lụy địa chính trị từ việc gia tăng thuế quan. “Nếu chúng ta cắt đứt thương mại với Trung Quốc và đồng thời áp thuế lên các quốc gia khác trong khu vực, Trung Quốc sẽ càng đẩy mạnh quan hệ với Đông Nam Á”, ông cảnh báo.
Trong khi đó, bà Emily Bowersock Hill, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Bowersock Capital Partners, nhận định rằng nếu không có cơ chế kiểm soát hành vi, Tổng thống Trump sẽ thực hiện những bước đi địa chính trị đầy rủi ro và khó lường.
“Phải mất hàng chục năm để nước Mỹ xây dựng được uy tín trên trường quốc tế”, bà nói. “Uy tín, các liên minh và thương hiệu quốc gia từng là lợi thế lớn nhất của chúng ta. Nhưng chỉ cần một chút sơ suất cũng có thể khiến tất cả những điều đó tan biến”.
Chức vụ Tổng thống Mỹ vốn đã nắm giữ quyền lực rất lớn, nhưng trong quá khứ, các Tổng thống vẫn bị giới hạn bởi luật pháp, thông lệ và các yếu tố chính trị. Thế nhưng, những biến động dữ dội của thị trường trong những ngày gần đây đã cho thấy, ông Trump dường như không còn bị ràng buộc bởi những giới hạn đó. Giờ đây, hơn bao giờ hết, hướng đi của thị trường tài chính và cả nền kinh tế toàn cầu lại phụ thuộc vào tâm trạng và quyết định của một người là Tổng thống Mỹ.
Quốc An (Theo NYT)