Đại hội nhà đầu tư VCBF: Đã có phương án trước bất định của thị trường, chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư nước ngoài
Tại Đại hội nhà đầu tư thường niên 2025 các quỹ mở VCBF diễn ra vào chiều ngày 08/05, Ban lãnh đạo công ty quản lý quỹ này cập nhật tình hình đầu tư quý 1/2025 gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên vẫn tự tin về triển vọng dài hạn.
Đại hội nhà đầu tư thường niên 2025 các quỹ mở của VCBF tổ chức chiều ngày 08/05/2025 |
Đa số quỹ mở có hiệu suất âm trong quý 1
Tại đại hội nhà đầu tư của Công ty TNHH Quản Lý Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank (VCBF), ông Phạm Lê Duy Nhân - Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư đã cập nhật về kết quả hoạt động quý 1/2025 của các quỹ mở do VCBF quản lý, đa phần có tỷ suất sinh lợi âm trong khi các chỉ số tham chiếu dương nhẹ.
![]() Ông Phạm Lê Duy Nhân - Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư VCBF chia sẻ tại đại hội |
Cụ thể, tỷ suất sinh lợi của Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng VCBF (VCBF-MGF) âm 1.7% trong khi VN70 dương 1.6%, Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF- BCF) âm 1.8% trong khi VN100 dương 1.1%, Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) âm 0.8% so với chỉ số tham chiếu dương 1.9%.
Với MGF, nhiều cổ phiếu nắm giữ như FPT, MWG, PNJ, BWE có tỷ trọng cao hơn so với danh mục tham chiếu VN70 và các cổ phiếu này đã có sự điều chỉnh trong quý 1. Bên cạnh đó, MGF cũng không đầu tư vào một cổ phiếu có tỷ trọng tương đối cao khác trong VN70 là LPB. Cổ phiếu này đã tăng 15%. Tính đến cuối quý 1, MGF có tổng tài sản 794 tỷ đồng, phân bổ 94% vào cổ phiếu.
Với BCF, quỹ phân bổ tỷ trọng thấp hơn so với chỉ số tham chiếu ở ngành bất động sản, mà cụ thể là VHM và VIC, đồng thời phân bổ cao hơn ở ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu như MWG và PNJ. Tính đến cuối tháng 3/2025, BCF có tổng tài sản 781 tỷ, phân bổ 98% vào cổ phiếu.
Tương tự với TBF, tỷ suất âm xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, quỹ phân bố vào cổ phiếu với tỷ trọng 62%, cao hơn mức 50% của chỉ số tham chiếu, trong khi danh mục cổ phiếu của quỹ đạt hiệu suất thấp hơn VN-Index trong cùng thời kỳ, do quỹ có tỷ trọng thấp hơn chỉ số tham chiếu ở ngành bất động sản và có tỷ trọng cao hơn ở ngành công nghệ thông tin (FPT), tiêu dùng không thiết yếu, hay các cổ phiếu như BWE, GMD. Tính đến cuối tháng 3, TBF có tổng tài sản 418 tỷ đồng, ngoài 62% phân bổ vào cổ phiếu, phần còn lại là các tài sản thu nhập cố định và tiền mặt.
Quỹ đầu tư trái phiếu VCBF (VCBF-FIF) là quỹ hiếm hoi có tỷ suất dương, đạt 1.8% trong quý 1/2025, cao hơn mức 0.7% của chỉ số tham chiếu. Tuy nhiên, có một vấn đề cần nhấn mạnh là do nguồn cung trái phiếu đáp ứng các tiêu chí đầu tư của VCBF tiếp tục rất hạn chế, trong khi dòng tiền vào quỹ liên tục được duy trì, dẫn đến tỷ trọng các tài sản có lợi tức cao giảm từ 60% cuối năm 2024 xuống dưới 50% cuối quý 1/2025. Do đó, lợi nhuận của FIF đã bị ảnh hưởng phần nào và sẽ còn tiếp diễn nếu tình trạng không được cải thiện.
Riêng với Quỹ đầu tư thu nhập chủ động VCBF (VCBF-AIF) vừa ra mắt tháng 2/2025 - đầu tư đa số và có thể lên đến 100% vào các cổ phiếu của các công ty có tỷ lệ cổ tức cao, tính đến cuối quý 1/2025, quỹ ghi nhận mức lợi nhuận âm 2.9% so với mức tăng của chỉ số VN-Index là 3.3%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc quỹ đầu tư với tỷ trọng cao hơn chỉ số tham chiếu ở các cổ phiếu như BWE hay CTR, không đầu tư vào nhóm VIC và VHM, có tỷ trọng cao hơn ở ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu như là MWG, PNJ.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong quý 1 vừa qua, nhưng Giám đốc danh mục đầu tư VCBF cũng nhấn mạnh về kết quả trong dài hạn của các quỹ vẫn đang tốt hơn chỉ số tham chiếu.
![]() Đa số quỹ mở của VCBF có hiệu suất âm trong quý 1/2025 |
Tại phần thảo luận, trước câu hỏi của cổ đông về chiến lược hedging trong giai đoạn sắp tới, ông Nguyễn Triệu Vinh - Phó Giám đốc Khối đầu tư, Giám đốc Đầu tư cổ phiếu cho biết, các quỹ mở của VCBF không sử dụng các công cụ hedging như future hay option. Thay vào đó, cách quản lý rủi ro tốt nhất là hiểu rõ về công ty, phân tích được tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, bên cạnh việc mua ở định giá rẻ hoặc hợp lý so với giá trị.
Một cách mà VCBF cũng làm là thiết lập danh mục đa dạng, để đảm bảo rằng khi một cổ phiếu bị ảnh hưởng trong ngắn hạn sẽ không tác động nhiều đến tổng thể.
Về câu chuyện thuế quan, thời điểm hiện nay có rất nhiều yếu tố bất định về kết quả thương thảo thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam, giữa Mỹ và các nước khác trong khu vực Châu Á cũng như trên toàn thế giới. Đối mặt với các bất định, ông Vinh cho biết VCBF hạn chế đầu tư vào những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp và bất lợi nếu đàm phán thuế quan không như kỳ vọng. Thay vào đó, Công ty phân bổ danh mục nhiều hơn vào những cổ phiếu thuộc ngành tiếp tục tăng trưởng trung và dài hạn, bao gồm công nghệ thông tin, dịch vụ hàng không, bán lẻ, hàng tiêu dùng, dược phẩm trong nước.
![]() Ông Nguyễn Triệu Vinh - Phó Giám đốc Khối đầu tư, Giám đốc Đầu tư cổ phiếu VCBF trả lời nhà đầu tư tại đại hội |
Lên kế hoạch đầu tư ra nước ngoài
Chia sẻ về kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, bà Dương Kim Anh - Giám đốc Khối đầu tư cho biết, quy định cho phép các quỹ mở được phân bổ tối đa 20% giá trị danh mục để đầu tư nước ngoài thực tế đã có từ lâu. Tuy nhiên, để thực hiện được phải trải qua rất nhiều bước, đầu tiên là xin giấy phép từ Bộ Tài chính để được đầu tư ra nước ngoài, sau đó hàng năm phải đăng ký hạn mức đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước dựa trên tổng thể cung cầu ngoại tệ để phân bổ quy mô đầu tư ra nước ngoài cho các đơn vị đăng ký. Trong những năm qua, VCBF đã cân nhắc việc xin phép đầu tư ra nước ngoài, nhưng nhận thấy có thể gặp khó khăn bởi những quy định về hạn chế đầu tư ra nước ngoài hay quản lý ngoại hối.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã có những thay đổi về mặt chính sách, định hướng cho phép đầu tư. Do đó, VCBF lên kế hoạch xin phép Bộ Tài chính cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài. Để hoàn thiện thủ tục, VCBF đã trình nhà đầu tư nội dung sửa đổi điều lệ quỹ và kết quả được thông qua.
Theo bà Kim Anh, giai đoạn đầu, VCBF có kế hoạch phân bổ một phần vào chứng chỉ quỹ ở một số quỹ nước ngoài, có thể là quỹ bluechip, tăng trưởng hay quỹ mà Việt Nam hoàn toàn không có, đặc biệt là những quỹ tập trung vào một ngành cụ thể, chẳng hạn công nghệ thông tin.
Nữ Giám đốc của quỹ cũng nhấn mạnh VCBF được góp vốn bởi Vietcombank và Franklin Templeton - tập đoàn quản lý đầu tư rất lớn trên thế giới với tổng tài sản đầu tư khoảng 1,600 tỷ USD - cũng là một lợi thế để tận dụng.
![]() Bà Dương Kim Anh - Giám đốc Khối đầu tư VCBF trả lời nhà đầu tư tại đại hội |
Thành lập quỹ ESG, quỹ đầu tư theo chủ điểm hay ngành là hành trình dài
Trước đề xuất của nhà đầu tư về việc mở rộng quỹ ESG, bà Dương Kim Anh cho biết, VCBF đã có nghiên cứu nhưng gặp một số khó khăn trong việc xác định công ty đáp ứng các tiêu chí về ESG.
“Trên thị trường hiện nay, để mà nói tất cả các công ty đều đã có bộ chỉ số ESG rõ ràng, minh bạch và được đánh giá trên cùng một mặt bằng bởi những đơn vị uy tín, thì có thể khẳng định luôn là không có” - bà Kim Anh chia sẻ.
VCBF đã tham khảo một số nền tảng cung cấp dữ liệu ESG như Bloomberg hay Refinitiv, tuy nhiên, số lượng các công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam có điểm rất ít.
Bà Kim Anh lý giải, nếu muốn chấm điểm được thì đầu tiên là doanh nghiệp đấy phải có số liệu. Đơn cử như là khí carbonic, chỉ nói VN30 chứ chưa cần đến VN100, rất ít doanh nghiệp đã kiểm kê và công bố dữ liệu này trong các báo cáo định kỳ. Để thành lập quỹ thì không phải chỉ là vài công ty, mà phải là dữ liệu lớn hơn, chẳng hạn 100 hay 200 công ty có đầy đủ dữ liệu, từ đó có thể lựa chọn ra những công ty có chỉ số tốt nhất, phù hợp nhất với chiến lược đầu tư.
Về đề xuất thành lập quỹ chuyên đầu tư theo chủ đề hay ngành nhất định, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết, VCBF rất muốn nhưng số lượng công ty có thể đầu tư được rất ít. Tuy vậy, kỳ vọng nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, hay những thay đổi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết nhiều hơn, có nhiều hàng hóa để có thể thành lập quỹ chủ điểm.
![]() Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hằng Nga chia sẻ tại đại hội |
Huy Khải