Cổ phiếu ngân hàng phân hóa: Mã nào gây bất ngờ?
SHB trở thành tâm điểm của nhóm cổ phiếu vua với tốc độ tăng giá dẫn đầu toàn ngành ngân hàng trong tháng 3.
Sau 8 tuần tăng điểm từ 1,220 điểm lên vùng giá 1,350 điểm (14/01-12/03), VN-Index chịu áp lực điều chỉnh và xác nhận kết thúc xu hướng tăng trưởng ngắn hạn vào phiên giao dịch cuối cùng của quý 1.
Chỉ số VN-Index và chỉ số ngành ngân hàng từ đầu năm 2025 đến cuối tháng 3 ![]() Nguồn: VietstockFinance |
Đóng cửa phiên 31/03, VN-Index nhích nhẹ 0.1% so với phiên cuối tháng 2, đạt mốc 1,306.86 điểm. Trong khi đó, chỉ số ngành ngân hàng giảm 0.5% so với cuối tháng 2, về mức 816.7 điểm theo dữ liệu VietstockFinance.
Vốn hóa ngân hàng tăng thêm gần 182 ngàn tỷ đồng
Kết thúc tháng 3, vốn hóa cổ phiếu ngành ngân hàng tăng 181,647 tỷ đồng, lên gần 2.3 triệu tỷ đồng (tính đến 31/03/2025), tỷ lệ tăng tương đương 9% so với mức 2.1 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 2.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Trong đó, biến động vốn hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh không đồng nhất khi BIDV (BID) giảm 4% còn VietinBank (CTG) gần như “đứng hình”.
Riêng Vietcombank (VCB) trở thành trụ đỡ giúp vốn hóa toàn ngành giữ được đà tăng khi có vốn hóa tăng mạnh nhất ngành (tăng 53% so với tháng 2) nhờ số lượng cổ phiếu lưu hành tăng thêm gần 2.8 tỷ cp (tỷ lệ 49.5%) thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tư nhân cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt với pha bứt phá mạnh mẽ đến từ SHB, trở thành mã dẫn đầu ngành về mức tăng trưởng thị giá (tăng 25% chỉ trong vòng 1 tháng ), đạt 12,500 đồng/cp vào cuối phiên 31/03/2025 - mức cao nhất trong vòng ba năm (kể từ 12/04/2022).
Trái chiều, vì thị giá giảm 14% so với tháng 2, TPB là mã có vốn hóa giảm mạnh nhất ngành ngân hàng trong tháng qua.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Thanh khoản nổi sóng
Tháng 3 có hơn 295 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, tăng 61% so với tháng 2, tương đương tăng gần 112 triệu cp/ngày. Giá trị giao dịch cũng tăng 49%, lên gần 2,970 tỷ đồng/ngày.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Thanh khoản cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh chủ yếu đến khối lượng giao dịch bình quân của các ngân hàng tăng theo cấp số nhân như KLB (gấp 3.4 lần), ABB (gấp 3.3 lần), NAB (gấp 2.9 lần), SHB (gấp 2.6 lần), VIB (gấp 2.4 lần) và SSB (gấp 2.4 lần).
Ở chiều ngược lại, thanh khoản các mã BAB (giảm 55%), SGB (giảm 42%), BID và BVB (cùng giảm 19%), NVB (giảm 13%), LPB (giảm 11%) sụt giảm đáng kể so với tháng trước.
Tháng này, thanh khoản cổ phiếu SHB tiếp tục dẫn đầu với gần 50 triệu cp được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và 8.6 triệu cp/ngày được “sang tay”, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 59 triệu cp/ngày, gấp 2.6 lần tháng trước.
Trong khi đó, SGB là nhà băng có thanh khoản thấp nhất ngành, chỉ với 7,662 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị khoảng 102 triệu đồng/ngày.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Khối ngoại bán ròng gần 2,500 tỷ đồng
Trong tháng 3, khối ngoại đã bán ròng hơn 133 triệu cp ngành ngân hàng, giá trị bán ròng đạt 2,471 tỷ đồng.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Cổ phiếu EIB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với hơn 16 triệu cp (350 tỷ đồng) trong tháng qua. Trái lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu TPB với khối lượng đột biến gần 103 triệu cp, giá trị tương đương 1,571 tỷ đồng.
Khang Di