Lợi nhuận ngành xây dựng phân hóa, doanh nghiệp yếu kẹt trong vòng xoáy lỗ kéo dài
Bức tranh ngành xây dựng quý 1/2025 cho thấy sự phân hóa rõ nét - một số doanh nghiệp bứt tốc với lợi nhuận tăng bằng lần, trong khi nhiều đơn vị vẫn chìm sâu trong thua lỗ hoặc giảm mạnh lợi nhuận. Làn sóng đầu tư công và các dự án hạ tầng trọng điểm vẫn đang mở ra kỳ vọng phục hồi trong giai đoạn tới.
Thống kê từ VietstockFinance, 108 doanh nghiệp ngành xây dựng trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC quý 1/2025 với tổng doanh thu hơn 34,188 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; trong khi lãi ròng hơn 984 tỷ đồng, giảm 7% - mức thấp nhất kể từ quý 2/2023. Nếu so với quý liền trước (quý 4/2024), cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm 37% và 53%. Biên lãi gộp toàn ngành kỳ này ở mức 12%.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Bức tranh 2 màu
Trong số các doanh nghiệp đã công bố BCTC, có 44 đơn vị báo lãi tăng, chiếm 41%; trong đó, 25 doanh nghiệp tăng trưởng bằng lần, một số nhờ những khoản thu đột biến.
Dẫn đầu là Tổng Công ty Thăng Long (HNX: TTL) với lợi nhuận gần 5 tỷ đồng, gấp 19 lần cùng kỳ nhờ cắt giảm chi phí hiệu quả. Searefico (HOSE: SRF) có lợi nhuận đột biến gần 9 tỷ đồng, gấp 16 lần, nhờ khoản thu từ chuyển nhượng cổ phần công ty con.
Tổng Công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) thu về 47 tỷ đồng lợi nhuận, gấp gần 15 lần, nhờ đẩy mạnh hoạt động xây lắp và thu nhập cổ tức tăng cao.
Trong khi đó, Đèo Cả (HOSE: HHV) lãi ròng hơn 146 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ - mức cao kỷ lục kể từ khi niêm yết. Sự gia tăng này đến từ doanh thu bảo trì cầu đường, tài chính và hợp nhất kết quả kinh doanh từ dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp tiếp tục chật vật với thua lỗ kéo dài hoặc lợi nhuận lao dốc. Tập đoàn Đua Fat (UPCoM: DFF) nối dài quý lỗ thứ 7 liên tiếp với mức lỗ hơn 117 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 680 tỷ đồng - con số đáng lo ngại khi vốn điều lệ chỉ 800 tỷ đồng. Nguyên nhân được DFF lý giải chủ yếu đến từ chi phí vay cao và thi công kéo dài khiến giá vốn đội lên.
Tổng CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (UPCoM: VVN) lỗ hơn 82 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 10 liên tiếp, lỗ lũy kế hơn 3 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu VVN âm hơn 2,182 tỷ đồng. Trong khi đó, Sông Đà 6 (UPCoM: SD6) lỗ hơn 40 tỷ đồng do thiếu việc làm nhưng vẫn phải duy trì bộ máy vận hành.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Đáng chú ý, Hòa Bình (UPCoM: HBC) lãi ròng quý 1 chỉ hơn 5 tỷ đồng - giảm tới 91% so với cùng kỳ. Dù được hoàn nhập gần 40 tỷ đồng chi phí quản lý, nhưng khó khăn chung của thị trường và doanh thu sụt giảm khiến lợi nhuận không cải thiện. Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) và Tập Đoàn PC1 (HOSE: PC1) cũng lần lượt báo lãi 17 tỷ đồng và 55 tỷ đồng, giảm 60% và 31%.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Nhóm doanh nghiệp dẫn đầu duy trì ngàn tỷ doanh thu
Trong quý đầu năm, có 6 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1,000 tỷ đồng.
Kết thúc quý 3 năm tài chính 2025 (từ 1/1-31/3/2025), Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đạt doanh thu thuần hợp nhất gần 5,003 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; đóng góp chính vẫn đến từ hợp đồng xây dựng hơn 4,909 tỷ đồng, tăng 6%; lãi ròng hơn 57 tỷ đồng, giảm 46% do ảnh hưởng của chi phí đầu vào và bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) mang về doanh thu thuần 2,596, lãi ròng 128 tỷ đồng, giảm lần lượt 2% và 72%.
Doanh thu Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) hơn 1,488 tỷ đồng, tăng 7%; trong khi lãi ròng gần 9 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Phần lớn ông lớn xây dựng đặt kế hoạch tăng trưởng
Điểm tựa thực sự của ngành xây dựng hiện nay chính là đầu tư công. 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với tổng vốn được phân bổ lên tới 791,000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt. Đây là con số kỷ lục, mang ý nghĩa quyết định với các doanh nghiệp xây dựng.
Theo đó, hầu hết ông lớn mảng này đều đặt kế hoạch 2025 tăng trưởng so với năm trước.
Đơn cử, HHV lên kế hoạch doanh thu 3,585 tỷ đồng và lãi sau thuế 556 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 12%. Tại hội nghị nhà đầu tư ngày 25/4, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Hùng cho biết, Công ty đang chuẩn bị đầy đủ nhân lực và công nghệ để tận dụng cơ hội từ làn sóng đầu tư công trong những năm tới.
FECON (HOSE: FCN) tham vọng doanh thu hợp nhất kỷ lục 5,000 tỷ đồng, tăng 48% và lãi sau thuế 200 tỷ đồng, gấp 6.6 lần so với năm 2024 - là mức cao nhất từ năm 2020. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Thanh cho hay, giá trị các hợp đồng backlog chuyển tiếp sang năm 2025 còn khoảng 2,500 tỷ đồng. Đến hết quý 1/2025, Công ty đã ký mới được khoảng 1,300 tỷ đồng nữa, nên kế hoạch kinh doanh năm nay đặt ra là có cơ sở.
CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) đặt kế hoạch tổng doanh thu gần 3,201 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 819 tỷ đồng, lần lượt tăng 4.6% và 3.4% so với kết quả năm 2024.
Riêng SJG và HBC dù đặt mục tiêu doanh thu tăng nhưng kế hoạch lợi nhuận thận trọng hơn khi đi lùi lần lượt 15% và 63%.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Từ 2025-2030 là giai đoạn then chốt để hoàn thiện các đại dự án hạ tầng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, cảng quốc tế Cần Giờ. Theo nhận định từ Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), cấu trúc của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam bao gồm 60% tuyến đường là kết cấu cầu, 30% nền đất và 10% hầm, kỳ vọng đem lại nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn từ 2027-2035.
Ở mảng xây dựng dân dụng, VCBS đánh giá thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phục hồi. Tuy nhiên, áp lực từ bảng giá đất mới, chi phí sử dụng đất cao và yêu cầu tín dụng chặt chẽ khiến quá trình phục hồi không đồng đều. Thị trường sẽ tập trung vào các chủ đầu tư có nền tảng tài chính vững và quỹ đất sạch, kéo theo cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà thầu.
Riêng nhà ở xã hội, dù tiến độ chưa đạt kỳ vọng, nhưng vẫn là “miếng bánh” tiềm năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ nhu cầu thực lớn nhưng nguồn cung còn hạn chế và khả năng duy trì hoạt động trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh.
Tóm lại, ngành xây dựng đang trong giai đoạn chuyển mình với sự phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp. Những đơn vị có nền tảng vững chắc, chiến lược bám sát đầu tư công và chủ động tái cấu trúc được kỳ vọng sẽ nắm bắt cơ hội bứt phá trong chu kỳ đầu tư hạ tầng trọng điểm sắp tới.
Thanh Tú