Nhịp đập Thị trường 26/05: Phiên chiều bùng nổ, VN-Index tăng hơn 18 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18.05 điểm (+1.37%), lên mức 1,332.51 điểm; HNX-Index tăng 3.09 điểm (+1.43%), lên mức 219.41 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc xanh với bên mua có 509 mã tăng và bên bán có 216 mã giảm. Sắc xanh áp đảo trong rổ VN30 với 21 mã tăng, 4 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 959 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 21.3 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 79.4 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 1.2 ngàn tỷ đồng.
VN-Index mở cửa phiên chiều với bên mua dần quay trở lại và chiếm ưu thế đã giúp chỉ số tăng vọt và đóng cửa trong sắc xanh tích cực. Về mức độ ảnh hưởng, VHM, GVR, VIC và BCM là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 8.6 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, VPL, STB, ACB và VRE là những mã vẫn còn chịu áp lực bán nhưng tác động không đáng kể đến chỉ số chung.
Top 10 cổ phiếu tác động mạnh tới VN-Index phiên 26/05/2025 | ||
Tương tự, HNX-Index cũng có diễn biến khá lạc quan, trong đó chỉ số được tác động tích cực từ các mã IDC (+6.6%), PVS (+3.46%), VCS (+4.47%), CEO (+4.72%)…
Nguồn: VietstockFinance |
Kết phiên, sắc xanh bao phủ ở tất cả các nhóm ngành. Trong đó, ngành bất động sản là nhóm có đà tăng mạnh nhất với 3.13% chủ yếu đến từ các mã VIC (+1.61%), VHM (+6.83%), BCM (+4.93%) và SZC (+6.97%). Theo sau là ngành nguyên vật liệu và ngành viễn thông với mức tăng lần lượt là 1.88% và 1.46%.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng hơn 35 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã VIC (92.9 tỷ), VCG (69.42 tỷ), GEX (56.66 tỷ) và HPG (52.51 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 13 tỷ đồng, tập trung vào mã SHS (13.6 tỷ), HUT (5.7 tỷ), NTP (4.81 tỷ) và VCS (1.28 tỷ).
Diễn biến mua - bán ròng của khối ngoại | ||
Phiên sáng: Thị trường phân hóa rõ rệt, nhóm bất động sản bắt đầu nổi sóng
Thị trường tiếp tục giằng co và phân hóa mạnh trong cuối phiên sáng. Tạm nghỉ giữa phiên, VN-Index mất 3.54 điểm, dừng ở mức 1,310.92 điểm. Trong khi đó, HNX-Index lấy lại sắc xanh, tăng nhẹ 0.11%, lên mức 216.55 điểm. Độ rộng toàn thị trường khá cân bằng với 314 mã giảm và 300 mã tăng.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với mức thấp cuối tuần trước. Giá trị giao dịch đạt gần 12 ngàn tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 632 tỷ đồng trên sàn HNX, tăng lần lượt 59% và 26% so với phiên trước.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Về tác động lên chỉ số, VCB, BID và VHM là những trụ cột gây sức ép lớn nhất, lấy đi gần 2 điểm của VN-Index. Trong khi đó, GVR đang níu giữ cho chỉ số không giảm quá mạnh khi đóng góp gần 1 điểm tăng.
Các nhóm ngành tiếp tục diễn biến phân hóa trong biên độ hẹp. Công nghệ thông tin là nhóm tạm thời có mức giảm mạnh nhất với -0.7%, ảnh hưởng chủ yếu từ FPT (-68%) và CMG (-0.75%).
Ở các nhóm ngành trụ cột, phần lớn các cổ phiếu trong nhóm tài chính chỉ dao động nhẹ quanh tham chiếu, ngoại trừ một số mã có biên độ đáng kể như EIB (+2.57%), HDB (+1.58%), FTS (+2.05%), BVH (+2.92%), VAB (+5.22%), STB (-1.32%) và SSB (-1.34%). Trong khi đó, chỉ số ngành bất động sản đang đỏ nhẹ với áp lực từ bộ 3 nhà Vingroup, bao gồm VHM (-0.87%), VIC (-0.65%) và VRE (-1.36%). Tuy nhiên, phần còn lại của ngành này giao dịch khởi sắc trong cuối phiên sáng, nhiều cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ như NVL (+3.21%), TCH (+5.04%), DXG (+3.88%), DIG (+2.56%), PDR (+2.17%), CEO (+2.36%), thậm chí IDJ và CKG tăng kịch trần.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng áp lực bán ròng với giá trị gần 370 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên sáng. Trong đó, HPG cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 81 tỷ đồng. Ở chiều mua ròng, VSC dẫn đầu với giá trị hơn 58 tỷ.
10h35: Chuyển sang thế giằng co sau khi lực bán đột ngột xuất hiện
Thị trường dần ổn định và chuyển sang trạng thái giằng co quanh mốc tham chiếu sau áp lực bán mạnh đột ngột xuất hiện. VN-Index giảm 0.65%, cho thấy áp lực điều chỉnh đang hiện hữu, đồng thời thể hiện sự thận trọng của dòng tiền trước những diễn biến khó lường.
VN-Index hiện giao dịch tại mức 1,305.89 điểm, giảm 0.65%. Chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 ghi nhận mức giảm sâu hơn, cụ thể giảm 0.9% xuống 1,396.73 điểm, cho thấy áp lực chủ yếu đến từ nhóm bluechips. Trong khi đó, HNX-Index duy trì mức giảm nhẹ chỉ 0.07% về 216.16 điểm. Sự phân hóa cũng được thể hiện rõ qua các chỉ số theo vốn hóa: VS-LargeCap giảm 0.7% và VS-MicroCap giảm 0.78%, trong khi VS-MidCap lại ghi nhận mức tăng 0.2%, cho thấy một số cổ phiếu vốn hóa vừa đang thu hút được dòng tiền.
Chứng kiến áp lực điều chỉnh bao trùm rổ VN30. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía giảm với 25 mã đi xuống, trong khi chỉ có 3 mã tăng giá và 2 mã giữ nguyên tham chiếu. Các mã có ảnh hưởng tích cực lớn nhất gồm HDB đóng góp 0.42 điểm, GVR 0.08 điểm và BVH 0.04 điểm. Ngược lại, nhóm mã gây áp lực giảm mạnh nhất là VIC với 2.25 điểm, VHM 1.86 điểm, HPG 1.27 điểm và FPT 1.13 điểm. Xu hướng giảm giá đang là chủ đạo giữa phiên.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh các ngành, thị trường đang chịu sức ép lớn từ nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức giảm đáng kể 2.77%. Các ngành có vốn hóa lớn cũng không tránh khỏi xu hướng tiêu cực: Bất động sản giảm 0.93%, tổ chức tín dụng giảm 0.58%, và dịch vụ tài chính giảm 0.72%.
Ở chiều ngược lại, một số ngành vẫn giữ được sắc xanh, nổi bật là truyền thông giải trí với mức tăng 1.35% và bảo hiểm tăng 0.78%. Vận tải cũng ghi nhận mức tăng 0.42%.
Cụ thể, nhóm tổ chức tín dụng (chiếm 29.84% vốn hóa) giảm 0.58% toàn ngành với nhiều cổ phiếu lớn vẫn chịu áp lực bán. Các mã tiêu biểu bao gồm TCB giảm 0.66%, MBB giảm 0.81%, VPB giảm 0.55%, CTG giảm 0.54%, STB giảm 1.20%...
Bất động sản (chiếm 15.82% vốn hóa) giảm 0.93%. Các mã như NVL giảm 0.96%, DXG giảm 2.44%, KBC giảm 1.93%, PDR giảm 1.34%, TDC giảm 1.87% và LHG giảm 1.84%.
Ngành thực phẩm, đồ uống và thuốc lá (chiếm 8.96% vốn hóa) giảm 0.31%. Mã đáng chú ý như VNM giảm 0.60%, MSN giảm 0.14%.
Trái lại, vận tải (chiếm 7.23% vốn hóa) lại có diễn biến khá tích cực khi tăng 0.42%. Mã PHP giảm 0.27%, tuy nhiên các mã khác trong ngành có thể đang hỗ trợ đà tăng chung như VOS tăng kịch trần, GMD tăng 3%, VSC tăng 0.23%...
Tính đến 10h30, độ rộng thị trường phân hóa rõ nét. Nổi bật, hơn 1,000 mã đứng giá cho thấy tâm lý chờ đợi vẫn bao trùm. Phe mua ghi nhận 17 mã tăng trần, 228 mã tăng giá. Chiều ngược lại, 335 mã giảm giá cùng 6 mã giảm sàn phản ánh áp lực bán hiện hữu.
![]() Nguồn: VietstockFinance |
Mở cửa: Tâm lý thận trọng hiện hữu ngay đầu phiên
Phiên giao dịch mở cửa sáng nay cho thấy một bức tranh thị trường khá tích cực, với đa số các chỉ số chính ghi nhận đà tăng điểm. Dù VN-Index chỉ tăng nhẹ, các chỉ số trên HNX và UPCoM lại có sự bứt phá đáng chú ý, phản ánh dòng tiền lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Chỉ số VN-Index mở cửa tăng 0.03% lên mức 1,314.89 điểm, cho thấy sự khởi đầu thận trọng của thị trường chung. Trong khi đó, HNX-Index thể hiện đà tăng mạnh mẽ hơn với mức tăng 0.31% lên 216.99 điểm.
Rổ VN30 khởi đầu với sắc đỏ áp đảo. Độ rộng thị trường cho thấy 18 mã giảm giá, vượt trội so với 11 mã tăng và 1 mã giữ giá tham chiếu. Chiều nâng đỡ chỉ số ghi nhận HDB đóng góp tích cực lớn nhất với 0.50 điểm ảnh hưởng, theo sau là VNM với 0.37 điểm, SHB mang lại 0.22 điểm và VPB đóng góp 0.13 điểm. Ngược lại, áp lực chính đến từ các mã vốn hóa lớn. HPG là tác nhân giảm điểm mạnh nhất với 1.01 điểm ảnh hưởng tiêu cực, kế đến là VIC giảm 0.81 điểm, MWG giảm 0.64 điểm và STB giảm 0.58 điểm. Diễn biến này phản ánh tâm lý thận trọng ngay từ đầu phiên.
Tổng thể thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng 0.21% trên toàn bộ 1,613 mã giao dịch. Các ngành có đóng góp vốn hóa lớn như tổ chức tín dụng (chiếm 29.84% vốn hóa thị trường) duy trì đà tăng nhẹ 0.10%, cho thấy sự ổn định của nhóm trụ cột này. Ngược lại, ngành bất động sản, với 15.82% vốn hóa, lại ghi nhận mức giảm 0.12% của chỉ số ngành. Tuy nhiên, nhiều mã bất động sản có vốn hóa lớn và thanh khoản cao lại tăng giá, bao gồm VHM tăng 1.02%, VIC tăng 1.08%, TCH tăng 1.33%, NVL tăng 0.40%, KBC tăng 0.57% và PDR tăng 0.62%. Điều này cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong nội bộ ngành này.
Một số ngành khác nổi bật với đà tăng tích cực bao gồm truyền thông giải trí với mức tăng mạnh nhất 5.60%, Dịch vụ chuyên biệt và thương mại tăng 2.34%, và hàng tiêu dùng và trang trí tăng 1.20%. Trong ngành hàng tiêu dùng và trang trí, các mã như GEE tăng 2.46% và GEX tăng 2.67% đã góp phần đáng kể vào mức tăng chung của ngành. Ngành Vận tải cũng ghi nhận mức tăng 0.60%, với mã HAH tăng 1.14% là một điểm sáng. Ngành Phần mềm với FPT tăng 0.51% cũng thể hiện sự tăng trưởng ổn định.
Phiên sáng 9h30, thị trường chứng khoán mở cửa với bức tranh phân hóa rõ rệt. Đáng chú ý, có tới 1146 mã đứng giá, cho thấy tâm lý thận trọng bao trùm. Tuy nhiên, số mã tăng giá áp đảo mã giảm giá với 294 mã xanh và 13 mã tăng trần, trong khi chỉ 156 mã đỏ và 3 mã giảm sàn. Điều này phản ánh tín hiệu tích cực từ độ rộng thị trường.
Tuy nhiên, từ sau 9h30, áp lực bán bắt đầu gia tăng, VN-Index có thời điểm giảm tới hơn 25 điểm và hồi lại về mức giảm 15 điểm vào lúc 9h50.
Lý Hỏa